Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam

Diễn đàn Kinh tế-Xã hội sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 2021-2023; nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam ảnh 1Đóng gói sản phẩm thủy sản đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 19/9, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề ''Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững'' chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Từ điểm cầu chính ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), Diễn đàn còn kết nối với một số điểm cầu của các học viện, trường đại học, diễn giả, nhà khoa học.

[Tham vấn về công tác tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam]

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, chỉ đạo Diễn đàn và bế mạc, kết luận Diễn đàn.

Diễn ra trong 1 ngày, Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Các đại biểu đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023; nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào-đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính-tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.

Diễn đàn tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025 và một số nghị quyết liên quan khác...; trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.

Các đại biểu phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Cùng với phiên khai mạc và phiên bế mạc, Diễn đàn gồm một phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề. Trong đó, chuyên đề 1 với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.”

Chuyên đề 2 với chủ đề: “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.”

Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.”

Các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục