Một ngày sau khi bị lực lượng Cảnh sát môi trường vạch rõ hành vi lén lút xả chất thải không qua xử lý ra sông Ghẽ, cánh bảo vệ của Công ty Tung Kuang (xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương) đã quyết liệt ngăn cản các nhà báo tác nghiệp.
Phải đợi đến lúc cán bộ của Cục Cảnh sát môi trường (C36) can thiệp, phóng viên Vietnam+ mới được tận mắt chứng kiến cả “thế giới ngầm” tinh vi mà công ty này dùng để phá hoại môi trường.
Hệ thống xả thải đánh lừa cơ quan quản lý
Từ quốc lộ 5 nhìn vào, Công ty Tung Kuang hiện ra với một màu xanh mát mắt. Xung quanh Công ty này là hàng cau vua, cọ và một sân bóng đá nằm giữa “đại bản doanh.” Nhìn đến đây chắc nhiều người nghĩ đơn vị này rất quan tâm tới môi trường. Chỉ khi anh trinh sát của C36 dẫn các nhà báo vào khu vực xả thải của Tung Kuang thì nhiều người mới cảm nhận hết sự trái ngược.
Theo thiết kế, Công ty Tung Kuang có một hệ thống xử lý nước thải khá hiện đại, được đầu tư cùng lúc với quá trình xây dựng nhà máy vào năm 2002. Nhưng, mức độ vận hành của nó đến đâu hay chỉ xây dựng theo kiểu “cho có” để đánh lừa các cơ quan quản lý môi trường thì chỉ có… trời và người của Tung Kuang mới biết.
Chỉ biết rằng, vào thời điểm mà Tung Kuang bị C36 bắt quả tang vào tối ngày 13/4, đơn vị này đang vận hành hai máy bơm tại khu xử lý nước thải để bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Qua kiểm tra, C36 xác định, đường ống nước thải từ nhà máy ra khu xử lý được phân làm hai nhánh, một nhánh chảy vào khu xử lý và một nhánh không qua xử lý được để hở ra bên ngoài để khi thực hiện sẽ đấu trực tiếp vào đường ống ngầm đi thẳng ra sông Ghẽ.
Sau hơn một ngày lực lượng chức năng dùng các phương tiện để đào bới, chiều 15/4, “thế giới ngầm” xả thải của Tung Kuang đã lộ ra một phần. Trước mặt chúng tôi, một đường ống xả chất thải (có đường kính ước chừng khoảng 40cm - phóng viên) được chôn dưới độ sâu gần 3m. Nối vào nó, là ống bé hơn đâm ngang, rồi lại đâm thẳng xuống lòng đất…
Nhờ hệ thống cống ngầm này, mỗi ngày đêm Công ty Tung Kuang đã xả trực tiếp một lượng lớn nước thải khoảng từ 300 mét khối ra môi trường.
Một trinh sát của C36 cho biết, tuy đường ống xả thải đã bắt đầu lộ diện, nhưng công việc đào bới này vẫn sẽ tiếp tục trong những ngày tới để tìm ra toàn bộ đường ống nước thải “đầu độc” sông Ghẽ.
“Đội mũ phớt” với luật pháp
Trực tiếp xử lý vụ việc, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, cho biết các trinh sát của C36 đã theo dõi Tung Kuang từ cuối 2009, từ nguồn tin do người dân cung cấp.
Sau khi lấy nước thải của Tung Kuang từ cống ra sông Ghẽ đi kiểm tra, các chiến sĩ công an đã phát hiện nhiều chất độc hại như Chrome 6 (tỷ lệ cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép) và các chất khác như mangan, sắt... vượt chuẩn quy định.
Cũng theo Đại tá Thảo, đây không phải là lần đầu tiên Tung Kuang bị xử lý về lĩnh vực môi trường. Trước đó, năm 2007, đơn vị này đã bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt hơn 100 triệu đồng.
Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hải Dương, cũng cho biết Tung Kuang là một trong 51 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường của tỉnh và đã có lần bị xử phạt đến 40 triệu đồng. Cụ thể, công ty gây ô nhiễm nước thải, chất thải rắn kéo dài, thực hiện chưa nghiêm túc việc vận hành xử lý nước thải và chất thải rắn. Tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo đến ngày 30/6/2010, Tung Kuang còn vi phạm xả nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ đình chỉ sản xuất.
Thế nhưng, dù bị xử phạt nhiều lần, từ cấp địa phương tới cấp Bộ, và thời hạn mà tỉnh Hải Dương đề ra đã rất gần nhưng công ty Tung Kuang vẫn “án binh bất động.” Bằng chứng là họ vẫn tiếp tục xả thải không qua xử lý ra môi trường và bị bắt quả tang.
Việc xả thải này của Tung Kuang, đã gây tác động không nhỏ tới đời sống của cộng đồng xung quanh. Điều đáng lưu ý là chỉ cách đó khoảng 300m, có một xí nghiệp nước sạch đang lấy nước mặt của sông Ghẽ để phục vụ người dân địa phương.
Đông đảo dư luận cho rằng Tung Kuang là một doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam từ 2002, nhưng lại "phớt lờ" với luật pháp về môi trường của Việt Nam. Trước họ là Vedan, cũng là một doanh nghiệp nước ngoài, đã bị đông đảo dư luận lên án về hành vi xả chất thải độc hại.
Bởi vậy, dư luận trông chờ một hình phạt thích đáng, đủ nặng tay để răn đe những đơn vị đã, đang và có ý đồ “đầu độc” môi trường./.
Phải đợi đến lúc cán bộ của Cục Cảnh sát môi trường (C36) can thiệp, phóng viên Vietnam+ mới được tận mắt chứng kiến cả “thế giới ngầm” tinh vi mà công ty này dùng để phá hoại môi trường.
Hệ thống xả thải đánh lừa cơ quan quản lý
Từ quốc lộ 5 nhìn vào, Công ty Tung Kuang hiện ra với một màu xanh mát mắt. Xung quanh Công ty này là hàng cau vua, cọ và một sân bóng đá nằm giữa “đại bản doanh.” Nhìn đến đây chắc nhiều người nghĩ đơn vị này rất quan tâm tới môi trường. Chỉ khi anh trinh sát của C36 dẫn các nhà báo vào khu vực xả thải của Tung Kuang thì nhiều người mới cảm nhận hết sự trái ngược.
Theo thiết kế, Công ty Tung Kuang có một hệ thống xử lý nước thải khá hiện đại, được đầu tư cùng lúc với quá trình xây dựng nhà máy vào năm 2002. Nhưng, mức độ vận hành của nó đến đâu hay chỉ xây dựng theo kiểu “cho có” để đánh lừa các cơ quan quản lý môi trường thì chỉ có… trời và người của Tung Kuang mới biết.
Chỉ biết rằng, vào thời điểm mà Tung Kuang bị C36 bắt quả tang vào tối ngày 13/4, đơn vị này đang vận hành hai máy bơm tại khu xử lý nước thải để bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Qua kiểm tra, C36 xác định, đường ống nước thải từ nhà máy ra khu xử lý được phân làm hai nhánh, một nhánh chảy vào khu xử lý và một nhánh không qua xử lý được để hở ra bên ngoài để khi thực hiện sẽ đấu trực tiếp vào đường ống ngầm đi thẳng ra sông Ghẽ.
Sau hơn một ngày lực lượng chức năng dùng các phương tiện để đào bới, chiều 15/4, “thế giới ngầm” xả thải của Tung Kuang đã lộ ra một phần. Trước mặt chúng tôi, một đường ống xả chất thải (có đường kính ước chừng khoảng 40cm - phóng viên) được chôn dưới độ sâu gần 3m. Nối vào nó, là ống bé hơn đâm ngang, rồi lại đâm thẳng xuống lòng đất…
Nhờ hệ thống cống ngầm này, mỗi ngày đêm Công ty Tung Kuang đã xả trực tiếp một lượng lớn nước thải khoảng từ 300 mét khối ra môi trường.
Một trinh sát của C36 cho biết, tuy đường ống xả thải đã bắt đầu lộ diện, nhưng công việc đào bới này vẫn sẽ tiếp tục trong những ngày tới để tìm ra toàn bộ đường ống nước thải “đầu độc” sông Ghẽ.
“Đội mũ phớt” với luật pháp
Trực tiếp xử lý vụ việc, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, cho biết các trinh sát của C36 đã theo dõi Tung Kuang từ cuối 2009, từ nguồn tin do người dân cung cấp.
Sau khi lấy nước thải của Tung Kuang từ cống ra sông Ghẽ đi kiểm tra, các chiến sĩ công an đã phát hiện nhiều chất độc hại như Chrome 6 (tỷ lệ cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép) và các chất khác như mangan, sắt... vượt chuẩn quy định.
Cũng theo Đại tá Thảo, đây không phải là lần đầu tiên Tung Kuang bị xử lý về lĩnh vực môi trường. Trước đó, năm 2007, đơn vị này đã bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt hơn 100 triệu đồng.
Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hải Dương, cũng cho biết Tung Kuang là một trong 51 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường của tỉnh và đã có lần bị xử phạt đến 40 triệu đồng. Cụ thể, công ty gây ô nhiễm nước thải, chất thải rắn kéo dài, thực hiện chưa nghiêm túc việc vận hành xử lý nước thải và chất thải rắn. Tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo đến ngày 30/6/2010, Tung Kuang còn vi phạm xả nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ đình chỉ sản xuất.
Thế nhưng, dù bị xử phạt nhiều lần, từ cấp địa phương tới cấp Bộ, và thời hạn mà tỉnh Hải Dương đề ra đã rất gần nhưng công ty Tung Kuang vẫn “án binh bất động.” Bằng chứng là họ vẫn tiếp tục xả thải không qua xử lý ra môi trường và bị bắt quả tang.
Việc xả thải này của Tung Kuang, đã gây tác động không nhỏ tới đời sống của cộng đồng xung quanh. Điều đáng lưu ý là chỉ cách đó khoảng 300m, có một xí nghiệp nước sạch đang lấy nước mặt của sông Ghẽ để phục vụ người dân địa phương.
Đông đảo dư luận cho rằng Tung Kuang là một doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam từ 2002, nhưng lại "phớt lờ" với luật pháp về môi trường của Việt Nam. Trước họ là Vedan, cũng là một doanh nghiệp nước ngoài, đã bị đông đảo dư luận lên án về hành vi xả chất thải độc hại.
Bởi vậy, dư luận trông chờ một hình phạt thích đáng, đủ nặng tay để răn đe những đơn vị đã, đang và có ý đồ “đầu độc” môi trường./.
Trung Hiền-Tiến Duẩn (Vietnam+)