Đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp với cổng dịch vụ công

Trước mắt, Cổng dịch vụ công quốc gia tập trung tích hợp những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp quan tâm và có tần suất giao dịch lớn lên Cổng.
Người dân sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Người dân sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 19/12, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 437/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm và các địa phương ngày 9/12.   

Sau khi nghe Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo về việc triển khai xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, xem clip giới thiệu về Cổng dịch vụ công quốc gia và chứng kiến người dân, doanh nghiệp trải nghiệm hệ thống, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã kết luận từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam đã có những tiến bộ. Đến hết quý III năm 2019, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được cung cấp tại các Bộ, cơ quan trung ương là 1.720 dịch vụ, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 47,7%; tại các địa phương là 46.660 dịch vụ với tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 17,3%.

Tuy nhiên, số lượng dịch vụ công phát sinh hỗ sơ trực tuyến còn ít, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương Văn phòng Chính phủ và cá nhân đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã rất chủ động, nỗ lực, quyết liệt trong xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia; đánh giá cao các bộ, ngành, cơ quan, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bảo hiểm xã hội, Tập đoàn Điện lực, Tổng Công ty Bưu điện; các địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh... đã phối hợp chặt chẽ để cùng xây dựng, hoàn thiện, đưa các dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương mình lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tập trung nguồn lực xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư và cho thuê lại dịch vụ.

Việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, tạo một kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước, giúp công khai minh bạch giữa người xử lý, giải quyết dịch vụ công với người được cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử, từ đó chống được nạn của quyền hách dịch, chống tiêu cực, ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt và tạo môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến là một trong những tiêu chí quan trọng thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Cổng dịch vụ công ra đời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn.

[Sau 2 giờ có giấy phép lái xe qua cổng dịch vụ công Quốc gia]

Tuy nhiên, đây mới là thành công bước đầu. Trước mắt, Cổng dịch vụ công quốc gia tập trung tích hợp những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp quan tâm và có tần suất giao dịch lớn lên Cổng.

Các dịch vụ công tiếp theo cần cung cấp lên cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ đông đảo người dân sử dụng và được các bộ, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp, bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, thuận tiện.

Việc tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là lây sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công.

Mặc dù Cổng dịch vụ công quốc gia được xây dựng và kết nối với Công dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương nhưng các Bộ, ngành, địa phương vẫn là đơn vị cung cấp dịch vụ công và chịu trách nhiệm xử lý, trả kết quả theo thẩm quyền.

Để Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp giữa nội bộ các cơ quan để từ đó đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm.

Các cơ quan tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ, địa phương mình để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đẩy mạnh thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, công nghệ; cần sử dụng cán bộ trẻ có trí tuệ, năng lực, cống hiến, không để chảy máu chất xám; thực hiện nghiêm Bản cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng, vận hành, phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ kết nối, liên thông dữ liệu.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc, từ đó xác định rõ những vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tổ chức các đoàn kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai các nhiệm vụ về Chính phủ điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Bộ Công an trình Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; Văn phòng Chính phủ trình Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn, an ninh thông tin là vấn đề lớn, cần phải bảo đảm sự ổn định, thông suốt của cả hệ thống Cổng dịch vụ công đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần phát huy vai trò, trách nhiệm chính trong xây dựng Chính phủ điện tử, chỉ đạo thực hiện bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với các hạng mục trong Chính phủ điện tử, trong đó có hệ thống cổng dịch vụ công; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, Văn phòng Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo phát triển hệ thống, phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm của nền hành chính Việt Nam, tạo sự thân thiện, thuận lợi nhất cho người sử dụng. Các công ty công nghệ thông tin, đặc biệt là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên, đồng hành, góp phần giúp Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ hệ thống.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục