Đau đầu bài toán nghỉ hè của học sinh tuổi teen

Hè đến, con trẻ thì được "xả láng," còn phụ huynh lại lo sốt vó; tưởng chỉ lo trông con bé, ai dè con ở tuổi mới lớn lại lo hơn nhiều!
Hè vốn là dịp nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi của con trẻ. Nhưng những năm gần đây, mấy tháng nghỉ hè đang ngày càng trở thành nỗi lo lớn của các bậc cha mẹ. Nào là chọn lớp học thêm văn hóa cho con, tranh thủ tìm địa chỉ tăng cường kỹ năng sống cho chúng, rồi quản lý ra sao khi chúng nghỉ chơi ở nhà.

Tưởng chỉ khó khi con còn bé nhưng bài toán để có một mùa hè bổ ích cho học sinh lứa tuổi "teen" đôi khi lại khó giải hơn. Ở tuổi này, các em bắt đầu sống độc lập hơn, tự hình thành các cách thức “thưởng” hè của mình. Chúng coi hè là thời điểm để "xả láng" với các trò chơi tưởng vô hại, "vui là chính" của tuổi mới lớn.

Để rồi sau hè chúng sao nhãng việc học, và chưa kể đến những hậu quả tai hại khác, đôi khi đưa cha mẹ vào cảnh "dở khóc, dở cuời."
 
Hè là thả sức.... ngủ

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài các em phải ôn thi vào lớp 10, học sinh lứa tuổi này chọn cách tự nghỉ, tự chơi tại nhà chiếm phần đông.

Em Trần Phi Anh, học sinh lớp 11 ở Hà Nội cho biết: “Nghỉ hè cuốt hai tuần em toàn ở nhà. Ngủ thoải mái, đọc sách, xem ti vi và vào mạng Internet đọc thông tin hoặc giao lưu với bạn bè qua “chat.”

Thực tế cho thấy rằng nhóm theo kiểu tự nghỉ hè không chỉ là các nữ sinh. Và điều báo trước là sau hè các teen sẽ cùng trở nên thích ngủ và ngại học hơn.

Chị Hương, một phụ huynh có con say sưa “ngủ bù” suốt ngày nói: “Chỉ được cái lành mạnh vì không có nguy cơ con theo bạn xấu nhưng khi con gái nghỉ hè mới nhận ra con mình lười và thiếu hụt biết bao nhiêu."

"Tình trạng phổ biến là các cô cậu không biết làm gì cả. Trong năm học thì cha mẹ ưu tiên cho nhiệm vụ học tập, không yêu cầu con làm gì. Bây giờ nhìn ra con 16 tuổi mà vụng về. Đã vậy trong sinh hoạt lại có thái độ rất “chảnh,” theo lối “con nhà lính tính nhà quan,” chị Hương không giấu giếm.

Học sinh thường gọi đùa các bạn “hè tự kỷ” này là những đối tượng “một mình vào hạ,” không liên quan đến bạn bè trường lớp.” Các nam sinh nếu miệt mài với các trò chơi từ máy tính thì có nguy cơ sẽ nghiện game online sau dịp hè.

Cô giáo Trần Thị Thu, quận Đống Đa, Hà Nội nhận xét: "Sau hè học sinh mất nếp học và nếp kỷ luật nhiều. Sự trở lại của các em ham nghỉ ngơi sẽ khó bắt nhịp với học đường hơn cả đám trẻ bị đánh giá là “lêu lổng.”

Hè tụ tập rong chơi


Ngay từ khi còn đi học, các nhóm học sinh ưa tụ tập đã lên các kế hoạch chơi hè khá tưng bừng. Các tốp chơi hè này "đàn đúm" với nhau bởi các sở thích. Các em nam hẹn “quần” trên sân bóng đen thui.

Các nhóm có “thú” bơi lội hay tập nhảy hiphop cũng coi hè là dịp để "say sưa". Nhật Long, một học sinh lớp 11 ở Hà Nội chia sẻ: "Hiếm khi bọn em có nhiều thời gian dành cho đam mê đến vậy."

Những cuộc chơi xa được tổ chức trong ngày như đi trượt cỏ ở Ba Vì, đi tắm biển Đồ Sơn đã qua. Đám trẻ rủ nhau lên bến Hàn Quốc, bến Nhật Bản ở Hồ Tây (Hà Nội) để tụ tập chơi đùa, xem những lời thề yêu nhau mãi mãi trên mặt tường, vỉa hè, lòng đường của các anh chị lãng mạn kiểu xứ Hàn từ đôi ba năm trước.

Chuyện các học trò chưa đến tuổi được cấp bằng xe máy cưỡi xe máy chở ba, chở bốn phóng khắp phố phường cũng không lạ. Giải thích về việc này, em Nam Anh, học sinh lớp 11 ở Đống Đa, Hà Nội nói: “Chúng em hẹn nhau đi đủ hai người một xe, nhưng sau cứ có các bạn đến thêm nên chả lẽ lại không cho bạn cùng đi. Thế nên mới thành đèo ba người một xe.” Khi được hỏi về bằng lái xe, cậu học trò 17 tuổi này ấp úng, gãi đầu, gãi tai!

Em Nga, học sinh lớp 11 ở quận Hoàn Kiếm trao đổi: “Chúng em còn rủ quay vòng, luân phiên đến nhà nhau chơi. Chúng em ăn liên hoan một bữa  rồi cùng nhau hát hò rồi về, cũng vui lắm ạ! Trong năm học ít khi có thời gian thoải mái như thế!”

Nhưng không ít phụ huynh đã than phiền: Bạn bè của con đến nhà chơi cũng “đoảng” y như con mình, hầu hết quen được bố mẹ chăm lo hoặc gia đình có người giúp việc phục vụ. Cả đám rủ nhau đến ăn uống xong rồi bỏ lại một đống bát đũa, đồ dùng lộn xộn. Mẹ đi làm về được phen dọn dẹp đến bơ phờ.
 
Em Ngọc Anh, quận Hoàn Kiếm hớn hở nói: "Chúng em rủ nhau chơi thật thoải mái đến hết tháng 6, dừng lại là về guồng học tập ngay thôi ạ.”

Nhưng một nhà giáo có kinh nghiệm lại cho biết, nếu các em đã đã  "chơi hết cỡ"  thì quay về học tập không dễ dàng gì. Phụ huynh nào biết quản con thì rất nên lưu tâm việc để cho con chơi nhưng vẫn duy trì lịch học 2-3h một ngày thì học sinh mới không bị xao nhãng, mất nếp học.

Hè còn “nóng” chuyện học trò "kết đôi"

Trong năm học, lịch học kín thì các "cung bậc tình yêu" vốn đầy cảm tính của trò sẽ có hạn độ, đến khi nghỉ hè, nhiều gia đình cha mẹ lại đi miết không thể quản lý con em, nên mùa hè là mùa "tình yêu tuổi teen."

Các thầy cô giáo dạy trung học phổ thông thường thấy vào năm học mới, tình hình và thái độ của học sinh thay đổi vì “thích” hay “hết thích” ai đó là khá phổ biến. Các nhà tâm lý học gọi tình yêu lứa tuổi này là "yêu cảm tính."

Cô giáo Trần Minh Tâm, Hà Nội cho biết có trường hợp học sinh nữ sau hè bỗng tính khí thất thường hay giận hờn. Cá biệt có trò còn trầm cảm vì mới “chia tay.”  Phụ huynh thì phàn nàn không hiểu nổi tại sao chỉ sau dịp nghỉ hè, con mình quá thay đổi .

“Đây là một cảnh báo mà cha mẹ cần lưu tâm, còn non nớt trước sức hút giới tính, đôi khi vì muốn 'làm người lớn', có em đã 'vượt rào' chỉ trong một ngày hè cha mẹ vắng nhà. Hẳn ai cũng biết những chuyện 'hậu yêu sớm' đã gây tác hại cho người trong cuộc và khiến cả người lớn cũng lao đao,” cô giáo Tâm nói thêm./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục