Dấu hỏi về sự thống nhất của châu Âu khi CAI được ký kết

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Âu về châu Á Matej Šimalčík (Slovakia) cho rằng sự thống nhất của EU sẵn sàng bị hy sinh ngay khi lợi ích kinh tế xuất hiện.
Dấu hỏi về sự thống nhất của châu Âu khi CAI được ký kết ảnh 1Nhiều nước thành viên trong Liên minh châu Âu không thống nhất được về quan hệ với Trung Quốc. (Ảnh: AFP) 

Trên trang tin Euractiv.com mới đây, ông Matej Šimalčík - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Âu về châu Á (trụ sở tại Slovakia) - nhận định rằng mặc dù có quan điểm cho rằng các nước Trung và Đông Âu thường gây nguy hiểm cho sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới vấn đề Trung Quốc, nhưng việc ký kết hiệp định đầu tư với Bắc Kinh cho thấy liên minh Pháp-Đức là một trở ngại lớn hơn đối với phản ứng thống nhất trước những thách thức do Trung Quốc đặt ra.

Ngay khi Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa EU-Trung Quốc có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy có thể được ký kết về nguyên tắc vào cuối năm 2020, nhiều chuyên gia về Trung Quốc trên khắp EU (trong đó có ông Matej Šimalčík) đã cảnh báo rằng việc kết thúc đàm phán là quá vội vàng, đồng thời phản đối những cam kết của Trung Quốc vì cho rằng không phù hợp với các tiêu chuẩn của EU. Bỏ qua nghi vấn liệu nội dung của CAI có vì lợi ích tốt nhất của EU hay không, một vấn đề khác đang đặt ra đối với liên minh này là cuộc cạnh tranh quyền lực và sự đoàn kết của EU.

Chuyên gia về chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc Šimalčík cho rằng trong những năm qua, EU đã có nhiều cuộc thảo luận nhằm đưa ra một phản ứng thống nhất đối với Trung Quốc. Đây cũng được coi là cách để đạt được một chính sách hiệu quả của EU liên quan đến Trung Quốc. Để nhắc nhở phần còn lại của EU về điều này, Đức đã thường xuyên chỉ trích các quốc gia thành viên nhỏ hơn vì đã phá vỡ sự thống nhất của EU bất cứ khi nào họ có giao dịch song phương với Trung Quốc.

Ví dụ, sự hợp tác của các quốc gia thành viên EU ở Trung và Đông Âu với Trung Quốc theo khuôn khổ “17+1” đã không giúp tạo ra lập trường cứng rắn hơn của EU đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc kết thúc đàm phán CAI cho thấy Đức đang gây trở ngại lớn hơn nhiều đối với mục tiêu của liên minh là đưa ra chính sách thống nhất đối với Trung Quốc.

[Liên minh châu Âu và Trung Quốc hoàn tất đàm phán về hiệp định đầu tư]

Một trong những bước đi của Đức trong thời gian làm Chủ tịch luân phiên EU khiến EU chia rẽ là bất ngờ đưa các cuộc thảo luận về CAI vào phút chót vào chương trình nghị sự của cuộc họp COREPER II (Ủy ban đại diện thường trực EU) ngày 28/12/2020, mà Ba Lan phản đối. Italy cũng phản đối việc Đức yêu cầu các quốc gia thành viên thông qua CAI mà không chia sẻ trước bản dự thảo.

Đòn mới nhất đối với những nỗ lực nhằm thể hiện lập trường thống nhất của EU về Trung Quốc xuất hiện vào ngày CAI được công bố. Cuộc họp giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sự tham gia của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Dấu hỏi về sự thống nhất của châu Âu khi CAI được ký kết ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP)

Theo ông Matej Šimalčík, mặc dù cuộc họp được mô tả là hai cuộc gặp song phương của bà Merkel và ông Macron với ông Tập Cận Bình (nhưng lại trong cùng một cuộc họp trực tuyến, như các bức ảnh chụp cuộc họp này đã cho thấy), đây chỉ là một nỗ lực hời hợt nhằm che đậy sự tham dự của ông Macron, bởi nếu không làm như vậy việc ông Macron có mặt trong cuộc họp là hành động thiếu cơ sở pháp lý theo các hiệp ước của EU.

Hiện tại, vẫn chưa rõ lý do Tổng thống Pháp tham gia cuộc họp này là gì hoặc liệu có bất kỳ quốc gia thành viên nào khác được lựa chọn tham dự hay không. Tuy nhiên, sự tham dự của ông Macron chắc chắn gây ngạc nhiên và không nhận được sự đồng tình ở một số nước thành viên EU khác, được chứng minh bởi tuyên bố công khai của Thứ trưởng Ngoại giao Italy Ivan Scalfarotto, người đã gọi điều này là “bất thường và phi lý.”

Điều trớ trêu hơn là nó diễn ra vào thời điểm chính quyền Pháp dưới thời Tổng thống Macron liên tục kêu gọi EU trở thành một tổ chức đoàn kết hơn, hành động mang tính toàn cầu dưới khẩu hiệu “quyền tự chủ chiến lược.” Điều này cũng hoàn toàn trái ngược với cuộc họp “27+1” do Đức đề xuất, trong đó đại diện của tất cả các quốc gia thành viên sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc và ngược lại. Tuy nhiên, cuộc họp được dự kiến diễn ra trong năm 2020 ở Leipzig đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19.

Vậy điều gì thúc đẩy hành động của Đức? Ở đây, có hai vấn đề cần lưu ý: lợi ích kinh tế và dư luận. Về lợi ích kinh doanh, Đức hiện là một trong những nước phụ thuộc kinh tế lớn nhất vào Trung Quốc. Đức là nước xuất khẩu lớn nhất của EU sang Trung Quốc. Năm 2018, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc trị giá hơn 110 tỷ euro, chiếm 7% tổng xuất khẩu của Đức. Các công ty Đức cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc trong số tất cả các quốc gia thành viên. Gần một nửa đầu tư của EU vào Trung Quốc đến từ Đức (76 tỷ euro). Đối với dư luận, hơn 60% người Đức có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, trong khi gần một nửa số người Đức cho biết quan điểm của họ về Trung Quốc đã xấu đi trong 3 năm qua.

Ngay cả các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng bị nhìn nhận một cách tiêu cực (một trong những quan điểm tồi tệ nhất trong số 10 quốc gia thành viên EU diễn ra cuộc thăm dò). Tuy nhiên, hơn 60% người Đức coi Trung Quốc là quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Đức và 54% cho rằng việc thúc đẩy thương mại và đầu tư nên là ưu tiên trong chính sách của Đức đối với Trung Quốc. Rõ ràng, các công ty Đức là bên được hưởng lợi lớn nhất từ việc sớm kết thúc CAI và Thủ tướng Merkel đã thực hiện theo những đề nghị của họ. 

Ông Matej Šimalčík kết luận: CAI cho thấy khi nói đến Trung Quốc, sự thống nhất của EU không được coi trọng và sẵn sàng bị hy sinh ngay khi lợi ích kinh tế xuất hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục