Đầu tư cho nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các nước nên đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Thách thức chung hiện nay với các nước chính là an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dân số tăng nhanh và đất sản xuất giảm đi. Do vậy, các nước nên quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Cao Đức Phát cho biết như vậy tối 9/11, tại cuộc họp báo sau Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng các nước về vấn đề lúa gạo và an ninh lượng thực, trong khuôn khổ Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 3.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Việt Nam có trên 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 4,1 triệu ha đất lúa. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp từ chính sách, đầu tư cho đến khoa học công nghệ như cải cách sâu rộng theo cơ chế thị trường, giao quyền sử dụng đất cho nông dân sản xuất hiệu quả hơn; tăng cường đầu tư cho hệ thống thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu cho 70% diện tích trồng lúa.

Việc này đã tạo điều kiện ngọt hóa 2 triệu ha đất phèn, ngăn mặn và giữ ngọt để gieo trồng 2 hoặc 3 vụ lúa/năm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam cũng quan tâm tới đầu tư cho chương trình nghiên cứu chọn tạo giống, nhân nhanh giống mới năng suất cao tại các địa phương, đi đôi với đó là phát triển các dịch vụ nông nghiệp, cung ứng vật tư thu mua chế biến, xuất khẩu nông sản, đổi mới các hợp tác xã, hỗ trợ nông dân sản xuất có hiệu quả cao hơn.

Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng với sự tham dự của tất cả các Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Châu Á tập trung thảo luận các thách thức đặt ra trong bối cảnh phát triển hiện tại của ngành lúa gạo; đề xuất một số biện pháp giải quyết các thách thức này trong nội bộ các nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Châu Á hiện là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, là nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất, song cũng là khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao nhất, chiếm tới 2/3 số người đói của toàn thế giới. Đầu tư cho nông nghiệp nói chung và cho sản xuất lúa gạo nói riêng còn thấp do mức độ rủi ro cao.

Ngoài ra, dịch hại vì nhiều nguyên nhân cũng xuất hiện ngày càng nhiều và quy mô lớn hơn. Các nước cũng nhận thức rõ cần có một cuộc cách mạng mới về giống và kỹ thuật để tăng sản lượng lúa gạo trên phạm vi toàn cầu.

Tiến sĩ Robert S.Zeigler, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) nhận định, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tác động đến nhiều quốc gia. Lượng mưa thay đổi khó lường nên việc dự báo lũ lụt hay hạn hán là rất khó khăn.

Tuy nhiên, ông Robert S.Zeigler cũng tin tưởng, với khung thời gian còn từ 10-20 năm nữa, các nước vẫn đủ thời gian chuẩn bị các giải pháp thích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, có được phương pháp quản lý lúa gạo tốt hơn và khoa học kỹ thuật phát triển cũng giúp nhiều nước giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra với sản xuất lúa gạo./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục