Đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á không có gì đáng ngại

Theo ASEANstats, từ 2012-2018, có khoảng từ 40% đến 68% vốn FDI của Trung Quốc chỉ đổ vào ba hoạt động chính: bất động sản; tài chính-bảo hiểm; và bán buôn-bán lẻ kiêm sửa chữa xe cộ.
Đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á không có gì đáng ngại ảnh 1Khu nghỉ dưỡng Blue Bay ở Sihanoukville của Campuchia do Trung Quốc đầu tư. (Nguồn: Getty Images)

Tờ Nikkei Asia Review vừa đăng tải bài phân tích của đồng tác giả Guanie Lim - nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nanyang về Quản lý Công thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và Alvin Camba - nghiên cứu sinh Viện Chính sách Công Paramadina (Indonesia).

Với tiêu đề “Không có gì phải sợ đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á,” bài viết đã phân tích các đặc điểm của dòng vốn FDI Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á, đồng thời đưa ra nhận định không có gì phải e sợ dòng vốn của Trung Quốc.

Trung Quốc đang "mua" Đông Nam Á? Bắc Kinh là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nền kinh tế trong khu vực nên câu hỏi này gây nhiều bất an.

Ẩn đằng sau đó là nhận thức về vai trò kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Đây được cho là sự nối dài tham vọng chính trị không thể chối cãi của Bắc Kinh. Chẳng hạn, các nhà hoạch định chính sách theo trường phái diều hâu của Mỹ đã cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á rằng tiền của Trung Quốc đang giúp phổ biến các giá trị đối chọi với dân chủ.

Tuy nhiên, thay vì lo ngại sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không cần quá lo lắng về Bắc Kinh, mà nên tập trung vào việc quản lý và chuyển hướng dòng tiền của Trung Quốc vào các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng.

Ban đầu, sự can dự của Trung Quốc vào các nền kinh tế Đông Nam Á thấp hơn nhiều so với nhiều người nghĩ. Các số liệu thống kê do ASEANstats cung cấp cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc không chỉ bám sát các nhà đầu tư lớn khác mà còn tập trung vào các lĩnh vực có hiệu ứng số nhân thấp hơn ở các nền kinh tế tiếp nhận.

Mặc dù tăng gần gấp ba lần số vốn đầu tư về giá trị từ 3,5 tỷ USD năm 2010 lên 10,2 tỷ USD trong năm 2018, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn xếp sau các nhà đầu tư Nhật Bản và đầu tư xuyên biên giới trong nội khối ASEAN.

Trong cùng giai đoạn 2010-2018, vốn FDI của Nhật Bản vào Đông Nam Á tăng từ 13 tỷ USD lên 21,2 tỷ USD, trong khi đầu tư nội khối ASEAN tăng 16,3 tỷ USD lên 24,5 tỷ USD.

Các nỗ lực đánh giá viện trợ và đầu tư của Trung Quốc bị hạn chế do không thể tách biệt giữa vốn cam kết và vốn thực hiện. Bắc Kinh đã vô tình đóng góp vào sự nhầm lẫn bằng cách phóng đại dòng vốn đầu tư ra nước ngoài - một phần bằng cách đưa ra hàng ngàn cam kết không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Điều này vô tình khuyến khích các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á cảm thấy rằng họ cần nhượng bộ Bắc Kinh để thu hút vốn của Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chỉ tập trung vào việc cảnh báo về động cơ rót tiền của Trung Quốc thay vì đưa ra các phương án thay thế khả thi như tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở khu vực này.

Những khác biệt trong cách phân loại và đo lường dòng vốn của Trung Quốc cũng góp phần gây ra sự hiểu lầm về quy mô can dự về kinh tế của Trung Quốc. Ví dụ, cơ sở dữ liệu “China Global Investment Tracker” (Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc) của Viện Doanh nghiệp Mỹ ước tính giá trị của các hợp đồng xây dựng, viện trợ và vốn đầu tư của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á là 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch vụ AidData của Đại học William & Mary của Mỹ lại cho rằng viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Trung Quốc chỉ ở mức 600 tỷ USD.

Mặt khác, vốn FDI của Trung Quốc chủ yếu tài trợ cho các hoạt động và dự án ít hỗ trợ tăng trưởng. Không giống như đầu tư của ASEAN và Nhật Bản vào Đông Nam Á, một phần đáng kể vốn FDI của Trung Quốc đã đi vào các ngành công nghiệp thứ ba (các hoạt động nằm ngoài sản xuất, nông nghiệp và khai khoáng).

[Trung Quốc hướng tới giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19]

Theo ASEANstats, trong giai đoạn 2012-2018, có khoảng từ 40% đến 68% vốn FDI của Trung Quốc chỉ đổ vào ba hoạt động chính: bất động sản; tài chính-bảo hiểm; và bán buôn-bán lẻ kiêm sửa chữa xe cơ giới, xe máy.

Trong các lĩnh vực này, bất động sản có tỷ trọng lớn nhất, chiếm tới 34% vốn FDI của Trung Quốc. Vốn đầu tư liên quan đến sản xuất có tỷ trọng không đáng kể, chỉ chiếm trung bình 11% dòng vốn hàng năm của Trung Quốc vào Đông Nam Á.

Việc vốn FDI của Trung Quốc tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản có thể gây hại cho các nền kinh tế tiếp nhận bởi thường chứa đứng một yếu tố quan trọng là đầu cơ, phân phối lợi nhuận kinh tế không cân xứng và không tạo việc làm một cách bền vững. Điều này có khả năng tạo ra nhiều người thua cuộc hơn những người chiến thắng ở các quốc gia tiếp nhận.

Dòng vốn FDI này vẫn cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cần được quản lý bởi các chính sách hạn chế quyền sở hữu đất của ngoài nước ngoài và các chính sách hạn chế đầu cơ.

Ngược lại, trong giai đoạn 2012-2018, trung bình có khoảng 43% vốn FDI của Nhật Bản chảy vào lĩnh vực sản xuất.

Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các biện pháp phong tỏa liên quan đã khiến tình hình trở nên phức tạp, các cơ sở sản xuất phải đóng cửa và khiến nhiều người thiệt mạng.

Đại dịch cũng làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm 2020. Điều này có thể sẽ tác động lớn đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho dù chỉ trong ngắn hạn, có thể sẽ thúc đẩy các cơ hội mới cho các công ty Đông Nam Á.

Kết quả của một cuộc khảo sát nhanh cho thấy các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia và Thái Lan đã mở rộng xuất khẩu để khai thác nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm y tế. Khi nền kinh tế Đông Nam Á hồi phục, nhu cầu đối với các loại máy móc sử dụng hiệu quả năng lượng và lao động có thể sẽ tăng do các công ty áp dụng các biện pháp xa cách xã hội lâu dài.

Khác xa với việc bị "mua sạch" bởi các công ty Trung Quốc, triển vọng của các nền kinh tế Đông Nam Á trong tương lai lạc quan hơn nhiều so với những ồn ào về các vấn đề liên quan tới dòng vốn đầu tư của Trung Quốc. Và các nhà đầu tư ASEAN cũng như Nhật Bản hoàn toàn có thể tái khẳng định sự thống trị của họ trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục