Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc giảm

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong tháng Ba chỉ đạt được 11,76 USD, đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 17/4 cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong tháng Ba chỉ đạt 11,76 USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước và là tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp do các công ty thu hẹp đầu tư trước tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đơn Dương cũng cho biết trong quý I vừa qua, FDI đạt 29,48 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, đầu tư từ khối Liên minh châu Âu (EU) chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công giảm tới 31,2%, trong khi đầu tư từ Mỹ và Nhật Bản lại tăng lần lượt là 10,1% và 13,2%.

Trong quý I, Trung Quốc đã cấp phép thành lập mới 5.379 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Bộ Thương mại Trung Quốc, tăng trưởng ngoại thương của nước này trong quý I đã chậm lại, chỉ đạt mức tăng tương đối thấp là 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Bộ này khẳng định sẽ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 10% trong cả năm nay, bất chấp đà tăng chậm lại trong quý I do nhu cầu tiêu dùng bên ngoài sụt giảm, cạnh tranh và tranh chấp thương mại gia tăng, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong nước tăng lên.

Theo ông Thẩm Đơn Dương, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song xuất khẩu của Trung Quốc trong quý I đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đó là một nỗ lực lớn "vượt mong đợi." Ông cho biết tốc độ tăng trưởng thấp tại hai thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc là Mỹ và Châu Âu đã khiến số lượng đơn đặt hàng các công ty xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm.

Trong khi đó, giá thành đầu vào trong nước tăng cao khiến sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc đắt hơn và ít cạnh tranh hơn. Nhiều đơn hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, đã chuyển sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang tăng lên cũng là một thách thức đối với các nhà xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong quý I vừa qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã phải đối mặt với 16 vụ kiện với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD, tăng 180% về số vụ và 200% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Ở khía cạnh nhập khẩu, do nhu cầu trong nước yếu và giá hàng hóa giảm cũng làm cho tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trong quý I chậm lại. Tuy nhiên, sự sụt giảm này hoàn toàn nằm trong dự kiến.

Ông Thẩm Đơn Dương cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc đã hành động tích cực để trợ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tin rằng ngoại thương sẽ tăng mạnh hơn từ quý II và sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục