Đẩy mạnh hội nhập, đem lại hòa bình, thịnh vượng cho GMS

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho rằng, các nước GMS cùng nỗ lực tăng cường kết nối, tận dụng tối đa tiềm năng của các quốc gia thông qua các dự án phát triển chung.
Đẩy mạnh hội nhập, đem lại hòa bình, thịnh vượng cho GMS ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 31/3, tại Hà Nội, Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) đã diễn ra với chủ đề: "Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng một GMS bền vững, hội nhập và thịnh vượng."

Tham dự có: lãnh đạo các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Bộ trưởng và quan chức SOM các nước GMS, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện ASEAN, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Hội đồng Kinh doanh GMS, đại diện các Đại sứ quán và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện khu vực tư nhân và các đối tác phát triển.

Đưa sáng kiến hợp tác vào thực tiễn

Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương Quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã phát biểu đánh giá cao hợp tác GMS trong suốt 25 năm qua đã đạt được nhiều thành tự trong việc nâng cao kết nối năng lực cạnh tranh của khu vực và xây dựng cộng đồng khu vực thịnh vượng, hòa bình, đoàn kết.

Hợp tác GMS đã hỗ trợ các thành viên đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là bao trùm và bền vững, những thách thức do thiếu nguồn nước hạ tầng, yếu kém do những thay đổi về mặt công nghệ và bất ổn của kinh tế toàn cầu…

Để đóng góp cho phát triển GMS và triển khai khung chiến lược và đường hướng tương lai, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen chia sẻ, các nước thành viên GMS cần kết nối hiệu quả hơn thông qua đầu tư có sở hạ tầng, năng lượng, giao thông và những thỏa thuận về tạo thuận lợi hóa giao thông, những đặc khu kinh tế dọc biên giới, đóng góp cho hoạt động kinh tế toàn diện hơn.

GMS cần quan tâm đến kết nối mềm để tận dụng lợi thế khi triển khai hạ tầng cứng và hạ tầng số, thông qua biện pháp chuyển giao công nghệ tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và tự do thương mại, du lịch; tiếp tục thúc đẩy phát triển bao trùm toàn diện cho khu vực, thông qua việc đảm bảo hiệu quả tối ưu của các chương trình GMS, đẩy mạnh hơn hội nhập khu vực, đem lại hòa bình, thịnh vượng, ổn định cho GMS.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vương Nghị nhấn mạnh, trong 25 năm qua 6 nước thành viên GMS với con sông chung và miền đất canh tác chung đã luôn cam kết hợp tác hỗ trợ nhau.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vương Nghị cho rằng, GMS có lợi ích tương lai cùng nhau, có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển thịnh vượng, hợp tác khu vực, đạt được tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Kinh tế thế giới đang có thay đổi về động lực, các nước GMS cần xem xét vấn đề này để tạo cơ hội mới cho phát triển. GMS cần tăng chuỗi giá trị, cạnh tranh hợp tác giữa các khu vực biên giới, khu công nghiệp, năng lượng và kinh tế.

Tận dụng lợi thế của nước đi sau, xây dựng hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng tính hiệu quả, xây dựng hợp tác mở, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, thông qua các hoạt động đa phương, mang lại lợi ích chung...

GMS cần thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ hơn nhằm đạt được thịnh vượng phát triển chung, phục vụ lợi ích GMS, cải cách mở cửa hơn nữa, tăng cường hỗ trợ tài chính GMS, đưa ra sáng kiến hợp tác vào thực tiễn…

Chúc mừng các quốc gia thành viên GMS về những thành tựu đạt được trong thực hiện chương trình hành động và hợp tác chung của tiểu vùng Mekong, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith cho biết, trong nỗ lực chung của GMS, Lào luôn cam kết và đặt ưu tiên trong việc thiết lập mạng lưới giao thông xuyên biên giới cũng như cơ chế “một cửa một điểm dừng” ở biên giới, đẩy mạnh hợp tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế đặc biệt hàng lang kinh tế Đông-Tây, Bắc-Nam và các hành lang khác.

Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho rằng, các nước GMS cùng nỗ lực tăng cường kết nối, tận dụng tối đa tiềm năng của các quốc gia thông qua các dự án phát triển chung; cần đảm bảo tính thống nhất và liên kết trong mỗi dự án; đồng thời cùng nỗ lực thu hút nguồn vốn tài chính, đảm bảo tăng trưởng xanh bền vững và thịnh vượng chung cho tiểu vùng Mekong.

Việc huy động vốn cần đảm bảo cơ chế hiệu quả, tính tự chủ về tài chính, tăng cường giám sát và đánh giá thông qua các khuôn khổ hợp tác GMS. Các quốc gia GMS cũng cần tăng cường trao đổi, chuyển giao công nghệ, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư cũng như hợp tác trong khối doanh nghiệp.

[Hội nghị GMS6-CLV10: Phát triển các động lực tăng trưởng mới]

ADB tiếp tục đồng hành cùng GMS

Hoan nghênh Kế hoạch Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư khu vực năm 2022 và các chiến lược hợp tác ngành của GMS, Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Henry Van Thio cho rằng, các quốc gia khu vực GMS cần bảo đảm tài chính nhằm triển khai các dự án, trong đó chú trọng tới công tác giám sát báo cáo tiến độ hàng năm.

Nhấn mạnh việc thực hiện kế hoạch phát triển bền vững của Myanmar sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, bổ trợ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Henry Van Thio nhấn mạnh, thế giới đã bước vào Kỷ nguyên 4.0, cùng với những rủi ro, thách thức từ biến đổi khí hậu, thiên tai và bất ổn về chính trị.

GMS là một cơ chế hướng tới hành động, kết quả, sẽ góp phần biến đổi khu vực GMS trở nên tốt đẹp hơn. Để có được điều này, các quốc gia cần có kế hoạch, chiến lược cụ thể, thích ứng hiệu quả hơn với những thách thức, tận dụng cơ hội, tăng cường tương tác với nhau.

Liên quan đến Kế hoạch Hà Nội, Tuyên bố chung Hà Nội và Khung Đầu tư khu vực, nhận định đây là kết quả hiện hữu của quá trình hợp tác, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha mong muốn các quốc gia hợp tác nhiều hơn nữa để có nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu các dự án này.

Ngoài ra, các nước cũng cần phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thúc đẩy tiến trình liên kết khu vực, tham gia mạnh mẽ hơn chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, ủng hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt, các quốc gia cần thúc đẩy sự trao đổi giao lưu nhân dân để có một GMS thực sự bền vững, chung tay tạo ra tiềm năng kinh tế thân thiện với môi trường, phát triển bền vững bao trùm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhấn mạnh, hợp tác GMS đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân các quốc gia thành viên, đặc biệt trong việc kết nối, nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao đánh giá, khu vực GMS đã có những bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

ADB kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2018 để các quốc gia GMS lọt vào top các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất châu Á cũng như trên thế giới. Từ đó, góp phần củng cố vị thế, tăng cường tiềm lực cho các quốc gia và nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Bày tỏ lạc quan và niềm tin về khả năng tăng trưởng của GMS, ông Takehiko Nakao cho rằng, nhiều nước trong khu vực GMS đã đạt được mức tăng trưởng khoảng 7%/năm, do đó trong khoảng 10 năm tới, quy mô một số nền kinh tế có thể sẽ tăng gấp đôi.

Sự thay đổi mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á và toàn cầu đã góp phần giúp cho GMS tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng. Các quốc gia khu vực GMS không chỉ xuất khẩu mà còn sản xuất dựa trên nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, tăng trưởng của GMS cũng dựa trên nền tảng các chính sách hiệu quả, cơ chế đầu tư kinh doanh mở và cải cách mạnh mẽ.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết, với sự hỗ trợ từ ADB và các đối tác phát triển khác, 21 tỷ USD đã được chuyển cho các quốc gia khu vực GMS trong 25 năm qua.

ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ GMS xây dựng Khung đầu tư tiểu vùng từ nay đến năm 2022, trong đó xác định hơn 200 dự án. Danh sách dự án này sẽ được cập nhật liên tục trong những năm tới, trong đó tập trung vào những dự án trong lĩnh vực giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, y tế, nâng cao tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, phát triển đô thị…

Sau phần phát biểu của đại diện lãnh đạo các nước GMS, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo các kết quả hợp tác đạt được kể từ Hội nghị Thượng đinh GMS lần thứ 5 và việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 như Kế hoạch Hà Nội giai đoạn 2018-2022, Khung Đầu tư khu vực tới năm 2022 và các chiến lược hợp tác ngành của GMS. Đại diện của Hội đồng Kinh doanh GMS đã báo cáo về các thành tựu của khu vực tư nhân GMS.

Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ chuyển giao vai trò của Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS từ Campuchia sang Lào.

Hội nghị xem xét và thông qua các văn kiện bao gồm: Tuyên bố chung của Hội nghị, Kế hoạch Hà Nội giai đoạn 2018-2022, Khung Đầu tư khu vực tới năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục