Đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho trên hai triệu lao động.
Đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp ảnh 1Khu công nghiệp Bình Xuyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 29/11, Công ty cổ phần Kết nối đầu tư Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đầu tư vào Khu công nghiệp Việt Nam.”

Hội thảo định hướng thu hút và quản lý các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới.

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng phát huy vai trò đầu tàu trong nền kinh tế.

Với 289 khu công nghiệp và 15 khu kinh tế ven biển tại 59 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm và chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho trên hai triệu lao động.

Theo ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch đầu tư, đến cuối tháng 10/2013, các khu công nghiệp đã thu hút được trên 4.700 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% vốn FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và trên 5.100 dự án đầu tư trong nước với số vốn 461.000 tỷ đồng.

Tính riêng 10 tháng năm 2013, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 9,9 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, điển hình là tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Hầu hết các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam đều được đầu tư đồng bộ trong và ngoài hàng rào.

Các khu công nghiệp thành lập đều có chủ đầu tư phát triển hạ tầng. Các chủ đầu tư này được thuê đất trực tiếp từ nhà nước và xây dựng các hạ tầng thiết yếu như đường, điện, nước, các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ liên quan khác.

Đây là lợi thế cho các doanh nghiệp khi xây dựng nhà xưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Họ không phải thực hiện các thủ tục như xin đất, giải phóng mặt bằng, đền bù…. kéo dài trong rất nhiều năm.

Bên cạnh đó, 80% các khu công nghiệp đã hoạt động đều có công trình xử lý chất thải, tiện nghi tiện ích công cộng phục vụ doanh nghiệp thứ cấp.

Đặc biệt, nhà nước có ngân sách hỗ trợ để các chủ đầu tư tại các khu công nghiệp được giảm giá cho thuê lại đất, nâng cao tính cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, trong thời gian tới nên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với định hướng thu hút có chọn lọc các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các ngành công nghiệp có tính liên kết cao.

Bên cạnh đó, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và củng cố niềm tin cho doanh nghiệp.

Mặt khác, đẩy mạnh giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, môi trường đảm bảo các dự án đầu tư hoạt động bền vững, hiệu quả.

Đặc biệt, quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và các tiện nghi, tiện ích công cộng cần thiết cho người lao động. Đồng thời triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Còn theo phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, trong khi chờ đợi một cơ chế liên kết phối hợp chung, thống nhất từ Trung ương, các địa phương nên chủ động tổ chức liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư vùng.

Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, các tỉnh cũng phối hợp phát triển các ngành, nghề, khu vực và kêu gọi đầu tư trên quy mô vùng.

Bên cạnh đó, rà soát lại hướng khuyến khích đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (ven biển, cửa khẩu), khu du lịch… giữa các địa phương để tránh chồng chéo và trùng lặp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục