Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục qua các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức người dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 13/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm nay và thời gian tới.

Theo báo cáo Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 3.130 trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV, gần 1.390 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, hơn 460 người nhiễm HIV/AIDS tử vong.

Tính đến cuối tháng Tư vừa qua, có 219.000 trường hợp nhiễm HIV, 67.000 bệnh nhân đang trong giai đoạn AIDS, 69.000 trường hợp tử vong do AIDS. Mặc dù đã giảm tốc độ gia tăng nhưng dịch HIV/AIDS vẫn ở mức cao, là nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam.

Dịch HIV/AIDS tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hình thái nguy cơ lây nhiễm đan xen trong các nhóm nguy cơ cao, gia tăng tệ nạn bán dâm nam, sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhóm đối tượng khác nhau.

Tình hình tệ nạn mại dâm tiếp tục có diễn biến phức tạp, có nơi gia tăng, hoạt động trá hình nên rất khó đấu tranh, phát hiện, xử lý. Ước tính, đến nay có hơn 25.680 người bán dâm, tập trung nhiều một số khu vực như Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.Việc xây dựng mô hình phòng chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng được tiếp tục thực hiện thí điểm tại 40 tỉnh, thành phố, với gần 480 mô hình.

Hoạt động của tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.

Tình trạng móc nối, câu kết giữa tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác có xu hướng gia tăng. Hoạt động điều chế ma túy tổng hợp dạng “đá” vẫn diễn biến phức tạp. Các Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội đã tổ chức quản lý cai nghiện và chữa trị cho hơn 32.000 người; tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 2.935 lượt người,

Tại Hội nghị, các đại biểu chỉ rõ: công tác phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm hiện nay còn có một số hạn chế, bất cập như kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng như nguồn tài trợ dành cho công tác phòng chống AIDS giảm mạnh, nguồn lực xã hội hóa còn thấp trong khi các chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS được giao ngày càng tăng cao.

Ngân sách đầu tư cho công tác phòng chống mại dâm thấp. Chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập còn thiếu, mức hỗ trợ thấp, chưa có hệ thống dịch vụ đặc thù. Trong lĩnh vực phòng chống ma túy, lượng ma túy thẩm lậu vào trong nước hoặc từ trong nước ra nước ngoài còn nhiều, chưa ngăn chặn được sự lan rộng của tệ nạn ma túy.

Hoạt động cai nghiện tập trung tại trung tâm còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nghiện cao, trong khi nhiều mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hiệu quả nhưng chưa có cơ chế đầu tư phù hợp nên khó nhân rộng…

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm là công việc khó khăn phức tạp. Trong bối cảnh, từ đầu năm nay, nguồn ngân sách, nguồn ODA dành cho các chương trình giảm, các bộ ngành cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa với tinh thần "phòng" làm trước; huy động nguồn xã hội hóa từ nguồn đóng góp không chỉ của gia đình người bệnh mà còn các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức xã hội đồng đẳng vào công tác này.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với các chương trình, phóng sự nhằm nâng cao nhận thức người dân; tăng cường giáo dục, lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm vào các buổi sinh hoạt tập thể, giao lưu văn hóa trong các trường phổ thông, nhất là đối với học sinh lứa tuổi vị thành niên.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an phối hợp với các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh rà soát, thống kê chính xác số người nghiện trong cả nước để có biện pháp giải quyết. Bộ Y tế cần nghiên cứu, xem xét các loại thuốc mới trong cai nghiện đã được cơ quan có chức năng, chính quyền địa phương xác nhận, có tính khoa học để thí điểm sử dụng tại các địa phương (bên cạnh thuốc Methadone).

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng các phương án bảo đảm cân đối tài chính trong bối cảnh ngân sách và nguồn tài trợ ODA ngày càng giảm; nghiên cứu, thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020, dần chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện theo một lộ trình phù hợp, hướng đến mục tiêu tổ chức cai nghiện tốt, giữ trật tự, ổn định tại địa phương.

Các bộ, ngành, nhất là 3 bộ: Lao động-Thương binh & Xã hội, Công an, Y tế cần phối hợp, sớm ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn các địa phương theo nội dung Đề án. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện Dự án "Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục