Trung Đông là một thị trường tiềm năng với Việt Nam vì ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, lượng tiêu thụ hàng hóa lại rất ổn định.
Sáng 17/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối họp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Tiềm năng, cơ hội phát triển thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước Trung Đông.”
Hội thảo nhằm giới thiệu về thị trường Trung Đông với các doanh nghiệp Việt Nam và góp phần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
Trung Đông nằm trên con đường giao thương nối liền giữa châu Á-châu Âu-châu Phi, trải dài từ Iran ở phía Đông đến bán đảo Sinai của Ai Cập ở phía Tây, có dân số gần 300 triệu người, chiếm khoảng 5% dân số thế giới với 15 quốc gia.
Trong cơ cấu hoạt động ngoại thương, mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Đông là dầu thô và các sản phẩm hóa dầu hoặc có chiết xuất và liên quan tới dầu thô, chiếm hơn 3/4 cơ cấu xuất khẩu của khu vực và gần 40% lượng xuất khẩu của toàn thế giới. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và máy móc thiết bị.
Trong chín tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Đông là 2.326,3 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông các mặt hàng như thủy-hải sản, càphê, hạt tiêu, hạt điều, caosu, gỗ, sản phẩm từ gỗ, đồ gốm… và nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như chất dẻo nguyên liệu, dầu mỏ, hóa chất, linh kiện ôtô, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…
Bà Lê Thị Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre cho biết, từ năm 2003 đến nay, công ty đã xuất khẩu sang Trung Đông nhiều mặt hàng như cơm dừa sấy khô, gạo, hạt tiêu, càphê…
Trung Đông là một thị trường tiềm năng vì ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này cũng không bị đòi hỏi khắt khe về chất lượng như các thị trường khác và lượng tiêu thụ rất ổn định.
Nhận thức tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại với khu vực Trung Đông, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Đông giai đoạn 2008-2015.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á -Bộ Công Thương cho biết ngoài trao đổi thương mại, Trung Đông còn là khu vực có nhiều tiềm năng về dầu khí với trữ lượng lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ký các thỏa thuận hợp tác dầu khí với các đối tác trong khu vực Trung Đông như dự án thăm dò dầu khí lô Daman với Công ty dầu khí Iran; dự án đầu tư xây dựng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với Công ty dầu khí Kuwait.../.