ĐBSCL xuống giống vụ lúa Hè Thu theo hướng né lũ

Hiện nay, nhiều nơi ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang, nông dân khẩn trương làm đất xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu.
Hiện nay, nhiều nơi ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang, nông dân khẩn trương làm đất xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu để tránh mùa lũ năm 2013 đồng thời sau thu hoạch tranh thủ gieo sạ thêm vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) ở những vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi, đê bao an toàn.

Năm nay, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo sạ 292.000 ha lúa Hè Thu, trong đó có 60.000 ha lúa chất lượng cao cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng lịch thời vụ xuống giống cho từng vùng, tiểu vùng sản xuất kết hợp với đẩy mạnh công tác khuyến nông, thủy lợi, thủy nông nội đồng.

Theo đó, các huyện chủ động được nguồn nước sản xuất thuộc vùng Tây sông Hậu là Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao và vùng Tứ giác Long Xuyên gồm Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, thành phố Rạch Giá tập trung xuống giống đợt 1 từ ngày 5-20/4 đạt từ 70% diện tích trở lên.

Các địa phương không đảm bảo nguồn nước bơm tưới, có nguy cơ bị khô hạn, nhiễm mặn vào đầu và giữa vụ xuống giống đợt 2 từ ngày 5-20/5.

Riêng vùng lúa chất lượng cao phân bổ ở các huyện trọng điểm lúa là Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất, Gò Quao, Châu Thành sản xuất theo hướng liên kết “4 nhà” chuyên canh lúa hàng hóa lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương khuyến cáo nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống thích hợp.

Trong đó, gieo sạ các giống lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ 60-70%; nhóm giống lúa chất lượng thấp, năng suất cao tỷ lệ không quá 20% và còn lại là nhóm lúa thơm đặc sản. Xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, điểm trình diễn, áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng giống xác nhận gieo trồng, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp và đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản nông sản hàng hóa.

Vụ lúa Hè Thu năm 2013, tỉnh An Giang thực hiện xuống giống đồng loạt, nhằm né rầy phát triển hại lúa. Theo đó, các địa phương và nông dân trong tỉnh phải tuân thủ theo lịch xuống giống tập trung, bảo đảm cơ cấu thời vụ, tránh ảnh hưởng tác động của thời tiết làm cho lúa phát triển không tốt.

Lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Hè Thu 2013 được chia làm 2 đợt. Đợt 1 thực hiện xuống giống từ ngày 1/4 đến ngày 10/4 (nhằm ngày 21/2 đến 1/3 âm lịch), ở những vùng đã thu hoạch vụ lúa Đông Xuân đại trà.

Đợt 2 thực hiện xuống giống từ 25/4 đến ngày 5/5 (nhằm ngày 16/3 đến 26/3 âm lịch), thực hiện xuống giống dứt điểm diện tích ở những vùng thu hoạch lúa Đông Xuân muộn.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang vào vụ thu hoạch đại trà lúa Đông Xuân, với năng suất bình quận đạt khá trên 6,5 tấn/ha. Nhiều nơi sau khi thu hoạch sớm đã tranh thủ làm đất để xuống giống vụ lúa Hè Thu.

Cùng với việc khuyến cáo các địa phương, nông dân xuống giống lúa Hè Thu theo lịch thời vụ, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang khuyến khích nông dân tổ chức vệ sinh đồng ruộng kỹ, cắt dọn sạch gốc rạ, trước khi xuống giống nên cày ải, phơi đất ít nhất 20 ngày.

Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết như khô hạn kéo dài, nông dân không gieo sạ lúa Hè Thu trong tháng 2 và tháng 3 dương lịch, vì xuống giống thời điểm này là vi phạm quy định lịch thời vụ của tỉnh, mà còn là điều kiện tốt cho rầy nâu có cơ hội truyền bệnh vàng lùn lùn xoắn lá đồng thời do thời tiết giai đoạn này nắng nóng gay gắt, làm cho cây lúa kém phát triển, sẽ phát sinh một số dịch hại như nhện gié, rầy phấn trắng… khi lúa trổ bông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục