Đề án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tại KCN

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng cơ sở phúc lợi xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung.

Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2015, việc đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội đáp ứng khoảng 20% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu và 50% số công nhân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; đến năm 2020 đáp ứng cho khoảng 50% công nhân có nhu cầu.

Đối với những khu công nghiệp đã được hình thành đang hoạt động sản xuất không còn quỹ đất hoặc không đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh quỹ đất công nghiệp hiện có (chưa sử dụng) để tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình nêu trên.

Đối với khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành, Ban Quản lý khu công nghiệp có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đó đồng thời với việc lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để tạo lập quỹ đất xây dựng các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất lựa chọn 14 tỉnh, thành phố để triển khai thí điểm đầu tư các công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội ở khu công nghiệp, gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh và Phú Thọ.

Việc lựa chọn dựa trên tiêu chí các địa phương có khu công nghiệp trên 18.000 công nhân trở lên (các địa phương tự quyết định lựa chọn địa điểm phù hợp theo quy hoạch) để triển khai thí điểm.

Có năm loại công trình cung cấp dịch vụ cơ bản tại các khu ở tập trung, gồm: Công trình giáo dục (trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, dạy nghề); công trình y tế (trạm y tế gồm phòng khám đa khoa, bệnh viện đa khoa, nhà hộ sinh); công trình thể dục thể thao (sân luyện tập, sân thể thao cơ bản, sân vận động, trung tâm thể dục – thể thao); công trình văn hóa (thư viện, bảo tàng, triển lãm, nhà hát…); công trình chợ, trung tâm mua sắm.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 289 khu công nghiệp được thành lập với khoảng 1,6 triệu công nhân đang làm việc và khoảng 600.000 lao động cung cấp các loại dịch vụ. Các khu công nghiệp hiện có trên 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, có 179 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên là 51.000ha, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đã đăng ký là 5,3 tỷ USD; 110 khu công nghiệp còn lại đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.

Qua khảo sát tại 98 khu công nghiệp có tổng số 837.2000 công nhân đang làm việc cho thấy, mới chỉ có 6% khu công nghiệp có nhà văn hóa và nhà tập luyện thể thao. Đối với công trình y tế thậm chí còn thấp hơn khi chỉ có ba khu có bệnh viện (hoặc trạm y tế cơ sở), đạt tỷ lệ 3%.

Kết quả cũng chỉ ra thực tế chỉ có một số ít khu công nghiệp có sự đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Các cơ chế, chính sách về cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã ban hành nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế./.
 
Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục