Để bưởi Diễn mãi xứng danh đặc sản đất Hà thành

Hiện nay không ít người tiêu dùng không còn “mặn mà” với bưởi Diễn, loại quả được mệnh danh là một trong những loại quả "tiến vua.”
Cùng với hoa đào Nhật Tân, cam Vân Canh, nhãn muộn Đại Thành, phật thủ Hoài Đức..., bưởi Diễn từ lâu đã là một loại quả được xếp vào hạng đặc sản hoa trái của đất Hà thành.

Tuy nhiên, hiện nay không ít người tiêu dùng đã không còn tỏ ra “mặn mà” với loại quả được mệnh danh là một trong những loại quả "tiến vua” xưa kia nữa với lý do chất lượng quả không còn đặc sắc.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Từ Liêm cho biết quê hương của trái bưởi Diễn chính là xã Phú Diễn, thuộc huyện Từ Liêm. Vụ bưởi Tết năm trước, có những vườn đạt năng suất khá, đem lại lợi nhuận 400.000-500.000 đồng/ha cho người trồng. Tuy nhiên, tình trạng “mất mùa riêng”ở một số vườn vẫn xảy ra.

Ông Nguyễn Duy Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết liên tục 3-4 năm trở lại đây, nhiều vườn bưởi ở Thượng Mỗ bị mất mùa. Đa số bà con vẫn kiên trì tìm cách khắc phục, nhưng cũng có một số hộ chán nản định chặt đi để trồng cây khác.

Theo Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện nay, tại nhiều vùng trồng cây ăn quả, trong đó có bưởi Diễn, người nông dân vẫn đang trồng, phát triển các loại cây theo kiểu tự phát và làm theo kinh nghiệm là chính nên tình trạng”mất mùa riêng” hay chất lượng quả không thật “xuất sắc” ở từng vườn bưởi vẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bưởi hư hỏng, chất lượng quả giảm sút sau thu hoạch do chưa có cách bảo quản tối ưu vẫn tồn tại ở hầu hết các hộ trồng bưởi.

Với mục đích giúp người nông dân phát triển bền vững các vùng trồng cây ăn quả, trong đó có cây bưởi Diễn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn Thủ đô từ nay đên năm 2015 để trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

Theo đó, dự kiến đến năm 2015, Hà Nội sẽ trồng thêm 700ha bưởi Diễn và bưởi Quế Dương tại các khu vực đồi gò, đất bãi ven sông; hình thành 6 vùng trồng và thâm canh bưởi với quy mô khoảng 150 ha/vùng.

Thành phố cũng tiến hành xây dựng nhãn hiệu quả đặc sản Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho một số loại quả tiêu biểu, trong đó có bưởi Diễn; xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa sản xuất, sơ chế và kinh doanh quả đặc sản; hỗ trợ và khuyến khích việc trồng thâm canh đi đôi với sơ chế, bảo quản, đóng gói và chế biến quả.

Riêng với cây bưởi Diễn, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương đã phối hợp triển khai mô hình áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng.

Các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả đã tiến hành phân loại thực trạng các vườn bưởi từ dạng đã cho quả nhiều năm, số lượng quả nhiều nhưng chất lượng không cao đến dạng vườn liên tục 3-4 vụ có tỷ lệ hoa, quả bị rụng nhiều, số quả còn lại đến giai đoạn thu hoạch quá ít ở một số vườn bưởi của xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.

Các chủ vườn tham gia mô hình này đã thực hiện các biện pháp cắt tỉa cành dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia, mạnh dạn bỏ các cành bị bệnh, các cành tăm, cành vượt, xới xáo đất, tạo sự thông thoáng, giúp cây có môi trường tốt hơn để tiếp tục sinh trưởng, phát triển, tích lũy dinh dưỡng cho kỳ ra hoa, đậu quả và chất lượng quả đạt được cũng cao hơn.../.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục