Được sự giúp sức của Atlat, nhiều sĩ tử đã có một buổi sáng không mấy khó khăn vượt ải môn Địa lý. Đức Duy, một thí sinh thi tại trường Trung học phổ thông Cầu Giấy khẳng định, đề thi mặc dù khá dài nhưng không hề lắt léo như những gì mình đã lo trước kỳ thi. Phần lớn các câu hỏi đều rất rõ ràng, tập trung vào kiến thức cơ bản đã học. “Mấy câu hỏi về đặc điểm khí hậu và đất đai hay sự phân bố dân cư đều trong nội dung đã được các thầy cô khuôn lại. Em có nêu được những ý chính nhưng đầy đủ thì không dám chắc,” Duy nói. Theo lời Duy, môn Địa lý đã trong tầm ngắm thi tốt nghiệp vài năm trở lại đây nên ở trên lớp, các thầy cô đã tổ chức ôn thi rất kỹ. Điều cần chú ý là, đề thi Địa lý thường chia thành nhiều câu hỏi nhỏ nên thí sinh phải tỉnh táo để không sa đà vào bất cứ nội dung nào quá mức. Quan trọng hơn, theo Duy, thời gian trên lớp, thí sinh đã được rèn luyện kĩ năng phân tích và xử lí thông tin dựa vào atlat địa lí Việt Nam. Các bài thực hành vẽ biểu đồ như biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ đường, biểu đồ miền đã được tập trung ôn luyện tới độ nhuần nhuyễn. “Việc sử dụng atlat và vận dụng các kĩ năng địa lí đã giúp em giảm bớt khoảng 50% việc học thuộc lòng rồi nên cũng nhẹ đầu hơn,” Duy tâm sự.
[Ngày thi đầu tiên: Đình chỉ 8 giám thị, 14 thí sinh]
HTML clipboard Thí sinh Lưu Hồng Hoàng Anh (lớp 12 A11, trường Trung học Ngô Thì Nhậm, Thanh Trì-Hà Nội) thì nói, em đã vượt qua môn thi Địa lý sáng nay không mấy khó khăn. “Đề thi bám sát chương trình học, vừa tầm với thí sinh. Ở câu thứ 4, đề thi có phần nâng cao để phân loại thí sinh,” Hoàng Anh cho biết. Nguyễn Thiên Phương Thảo, cô học trò học chuyên khối A của trường Ngô Thì Nhậm cũng cho hay, đề thi Địa lý khá “thoáng” đối với các sĩ tử. Có một số câu đòi hỏi sự hiểu biết của thí sinh. “Em tin mình sẽ được từ 7-8 điểm,” Thảo nói.
[Ngày thi đầu tiên: Đình chỉ 8 giám thị, 14 thí sinh]
Các thí sinh đã có 3 môn thi đầu tiên dễ thở. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, cô Phạm Thúy Hoa, giáo viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Học (Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng khẳng định, đề thi Địa lí năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa. “Với đề thi này, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và biết vận dụng một số kỹ năng cơ bản của môn học, biết trình bày kiến thức một cách có rõ ràng, ngắn gọn, có hệ thống thì việc vượt qua sẽ không có gì quá khó khăn,” cô Hoa nói. Cũng theo cô Hoa, đề thi đảm bảo kiểm tra, đánh giá các em toàn diện các kỹ năng như kỹ năng xử lý số liệu, sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, vẽ biểu đồ, phân tích, đánh giá, nhận xét vấn đề, tổng hợp kiến thức… Và, những câu hỏi như vậy đã bao hàm việc phân loại học sinh. Cô Bùi Thị Tin, giáo viên bộ môn Địa lí trường Trung học phổ thông Nho Quan C (Ninh Bình) thì nói, đề Địa lí năm nay bao quát nội dung kiến thức học lớp 12 của thí sinh và khó hơn so với đề năm trước. Giáo viên này cũng cho rằng, nhiều học sinh sẽ bị nhầm lẫn câu 1 nếu không đọc kỹ đề thi. “Đề ra trình bày về đặc điểm khí hậu và đất đai nhiệt đới gió mùa nên sẽ có nhiều sĩ tử chỉ chăm chăm làm đặc điểm khí hậu thiên nhiên nhiệt đới gió mùa. Chỉ những thí sinh thi khối C, hiểu kiến thức mới có thể không bị nhầm lẫn,” cô Tin giải thích. Với phần vẽ biểu đồ và sử dụng Atlat địa lý, cô Tin cho rằng, đây là những câu hỏi khá dễ và thí sinh sẽ ăn điểm tuyệt đối bởi những câu này chỉ cần vận dụng kỹ năng thực hành của thí sinh là có thể làm trọn vẹn. Với câu hỏi về đánh bắt xa bờ có ý nghĩa gì với quốc phòng, cô Tin đánh giá, câu hỏi này khá hay, những thí sinh "học vẹt" không thể làm được. “Học sinh cần phải xem thời sự cập nhật thông tin thời sự về biển đảo nước ta. Ngoài ra, giáo viên trong giờ dạy cũng cần phải có sự liên hệ với biển đảo quốc phòng lồng gép vào trong phần ý nghĩa của việc đánh bắt xa bờ đối với sự nghiệp an ninh biển đảo và quốc phòng,” cô Tin chia sẻ. Cô Tin cũng khẳng định, với đề Địa năm nay, học sinh đạt điểm trung bình thì là điều dễ dàng nhưng để đạt điểm giỏi thì sẽ rất khó và có sự phân loại, chọn lọc đối với thí sinh chuyên học xã hội./.
Nhóm PV (Vietnam+)