Đề thi môn Toán THPT Quốc gia bị chê không thể hiện tinh thần đổi mới

Một số giáo viên nhận định, đề thi môn Toán kỳ thi THPT QG đã phân loại thí sinh khá tốt, nhưng còn nặng về tính toán, ít câu hỏi ứng dụng và không thể hiện được tinh thần đổi mới.
Đề thi môn Toán THPT Quốc gia bị chê không thể hiện tinh thần đổi mới ảnh 1Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Đề thi môn Toán kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia đã phân loại thí sinh khá tốt, nhưng còn nặng về tính toán, ít câu hỏi ứng dụng và không thể hiện được tinh thần đổi mới.

Đây là nhận định của một giáo viên dạy Toán về đề thi năm nay.

Nhận xét về đề thi môn Toán, thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng, nếu đánh giá đề theo tiêu chí mục đích của kỳ thi là vừa để xét công nhận tốt nghiệp phổ thông, vừa để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, thì đề thi đã phân hóa rất tốt. Kết quả thi sẽ phân nhóm thí sinh rất rõ nét giữa nhóm thí sinh trung bình, khá và giỏi.

Toàn bộ đề thi có 24 mã nhưng giữa các mã đề có mô hình câu hỏi giống nhau và chỉ thay số cho khác. Vì thế, đề đảm bảo được sự ngang nhau về độ khó giữa các mã đề, nhưng đơn điệu.

“Tuy nhiên, nếu xét trên tiêu chí thi cử là 'khâu đột phá' trong đổi mới căn bản toàn diện, chuyển giáo dục từ nặng kiến thức sang hình thành năng lực người học, như Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nói, thì đề thi chưa đạt yêu cầu,” thầy Thưởng nhận định.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, thầy Lưu Huy Thưởng cho rằng, các câu hỏi trong đề thi nhiều kiến thức lý thuyết hàn lâm và tính toán nặng nề. Câu hỏi thực tiễn không nhiều và khá gượng ép, các câu hỏi cũng cũ và đề không có gì mới mẻ. Với một đề thi nặng kiến thức hàn lâm như vậy, mặc dù nội dung vẫn nằm trong chương trình phổ thông nhưng kiến thức đó chỉ là nền tảng, nên học sinh nếu không học thêm sẽ khó có thể làm được bài thi.

[Tiến sỹ văn học 'bắt lỗi' đề thi Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo]

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không ủng hộ luyện thi nhưng với cách ra đề này, học sinh bắt buộc phải luyện mới làm được vì các dạng bài khác xa so với trong sách giáo khoa, mức độ khó cũng vượt xa rất nhiều, nhất là lại phải giải nhanh trong thời gian ngắn 90 phút của một đề thi trắc nghiệm 50 câu hỏi, ” thầy Thưởng nói.

Theo thầy giáo dạy Toán này, với những hạn chế đó, mục tiêu toán học phải phục vụ cuộc sống không hề được tìm thấy trong đề thi này khi số lượng các bài toán gần gũi, thiết thực không nhiều.

Đây cũng là nhận định của tiến sỹ Toán học Lê Bá Trần Phương. Theo thầy Phương, một đề thi theo hướng đánh giá năng lực phải có nhiều câu hỏi kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, thầy Phương cho rằng các câu hỏi dạng này trong đề thi Toán năm nay rất ít.

“Nhiều giáo viên than rằng đề này vừa sức với… giáo viên và làm trong…120 phút là hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ Bộ nên thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá lại đề thi,” thầy Phương nói.

Theo Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, giảng viên môn Toán, khoa Khoa học cơ bản, Đại học Công nghiệp Hà Nội, các bài toán ứng dụng thực tiễn sẽ giúp học sinh thấy được ý nghĩa của toán học với cuộc sống, tạo được hứng thú và động lực học tập cho các em.

“Với đề thi Toán như hiện nay, học sinh sẽ vẫn chỉ thấy sợ toán, thấy toán học quá khó và xa lạ,,” Tiến sỹ Lê Anh Tuấn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục