Khơi nguồn tính nhân văn

Đề thi Văn gắn thực tiễn: Khơi nguồn tính nhân văn

Làm bài thi môn Văn, có học sinh lập luận “cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp,” để tính ra Nguyễn Văn Nam đã... xây 35 tòa tháp.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Văn năm nay có câu yêu cầu thí sinh nêu suy nghĩ về hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam, rất được dư luận quan tâm.

Nhóm PV chúng tôi đã tiếp xúc với một số thầy, cô giáo sau đợt chấm thi và có những ghi nhận dưới đây.

Đề thi từ thực tế cho thấy trò rất đáng yêu


Trong quá trình chấm thi, có quy định là các giám khảo không được trả lời báo chí về bài làm của học sinh, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, các thầy cô cũng có thể nêu ra những hay dở trên tinh thần xây dựng để học sinh rút kinh nghiệm cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới và người lớn cũng cần nhìn lại để giáo dục học trò và con em mình tốt hơn.

Đánh giá chung của nhiều thầy cô đi chấm thi ở các hội đồng thi trên toàn quốc là học sinh làm bài thi môn Ngữ văn tương đối tốt. Đa số các em đạt yêu cầu ở mức trung bình trở lên. Những lo ngại về bài làm lệch lạc không đáng kể.

Theo một cô giáo, thực chất không phải là “lệch lạc” mà chỉ là những suy nghĩ vụng về, non nớt và xuất phát từ sự thương tiếc Nguyễn Văn Nam. Các em viết những suy nghĩ nghiêng về xót xa Nam hơn là thấy năm em học sinh đã được Nam cứu.

[Hai thí sinh tại tỉnh Đồng Nai đạt 9,5 điểm môn Văn]

Hầu như không có việc thí sinh hiểu rằng đề bài kêu gọi nhảy xuống sông cứu người theo nghĩa đen. Các em đều biết đó là tấm gương dũng cảm, một tấm lòng cao đẹp cần noi theo.

Với bài làm theo đề mở, mỗi trò có một cách cảm nhận và thể hiện. Một giám khảo ở Hà Nội cho biết: “Chấm bài năm nay thấy các trò rất đáng yêu!”

Chân thành, mộc mạc và sâu sắc


Sự chân thành đến mộc mạc cũng làm nên nét đáng yêu của học sinh. Có một số bài viết về gương hy sinh của Nguyễn Văn Nam theo lập luận “Cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp.” Cá biệt có học sinh còn làm phép nhân để tính ra Nam cứu năm học sinh đã tương đương với... 35 tòa tháp.

Có học sinh đã quá xúc động còn làm thơ về Nguyễn Văn Nam vào bài thi. Bài thơ có 8 câu, nhưng người chấm không thể nhớ hết, chỉ mang máng 4 câu: Cả nước đau buồn thương tiếc bạn/ Nguyễn Văn Nam chẳng thể nào quên/ Việc làm dũng cảm sao mà phục/ Hành động anh hùng thật đáng khen…

Không ít bài gây xúc động cho người chấm khi các học sinh đều nghĩ đến nỗi đau của bố mẹ Nam. Có em viết: Cháu cảm ơn hai bác đã sinh ra người con như bạn Nam! Học sinh khác nêu “đề nghị”: 5 bạn được cứu cần cố gắng học và sống xứng đáng với sự hy sinh của Nam. Và năm bạn phải có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ Nam suốt đời.

Các bài đều thân thương gọi Nam là “bạn” và nhắc đến việc nếu không có sự việc quên mình cứu người ấy, Nguyễn Văn Nam - học sinh lớp 12T7 ở Nghệ An cũng đang ngồi làm bài thi như các em.

Những ý nghĩ sâu sắc cũng thể hiện trong không ít bài. Thí sinh phân tích đầu tiên là Nam có tình thương, và tình thương ấy đã biến thành hành động dũng cảm, mà dũng cảm đến hy sinh cuộc đời để cứu những người khác.

Trăn trở về cuộc sống, có thí sinh viết rằng: Bao nhiêu người ngược xuôi trên phố phường thờ ơ với nhau... bao nhiêu người dửng dưng đi lướt qua nhau không một lời chào dù có quen biết thì Nam lại đổi mạng sống cứu những người không quen.

Lại có em viết những câu thật “già”: Tôi quen sống giữa dòng đời bon chen, người ta muốn có chỗ đứng trong xã hội thì phải giẫm đạp lên người khác, buôn bán muốn được lời lãi thì phải lừa lọc người khác, cũng có lẽ thế mà tôi đã mất đi phần nào nhân đạo trong con người tôi? Biết về tấm gương của Nam tôi nghĩ lại. Trường hợp của Nam làm tôi nhớ lại thời kỳ chiến tranh với những tấm gương hy sinh. Nam là anh hùng của hôm nay...

Nhiều thí sinh gọi Nam là anh hùng. Các em tha thiết cầu Nam được an nghỉ: Nam ơi, Nam đang mỉm cười nơi suối vàng phải không, Bạn hãy ra đi thanh thản. Có em lập luận rằng Nam không ân hận vì đã cứu được 5 bạn nhỏ. Nam đã sinh ra họ lần thứ hai.

Rất chân thành, có em bộc lộ: Tôi sẽ sống chậm lại, tôi sẽ nhìn những số phận xung quanh và giúp đỡ họ trong khả năng của mình...

Vẫn có đó chút ...ngây ngô thơ trẻ

Nhiều học sinh bày tỏ sự nể phục nhưng cũng không ngại bộc lộ rằng mình sẽ không làm được như Nam. Các em phản đối sự vô cảm và bàn cách gọi người khác đến trợ giúp. Có bài viết “ngây thơ” như: Em sẽ gọi người hỗ trợ, vài người đáng tin cậy, to cao khỏe mạnh và quen với dòng sông Lam để cứu 5 em học sinh ấy.

Một số trường hợp nói giá như Nam chỉ cứu 4 bạn rồi thôi. Có học sinh cho rằng giá như có một người như Nam nhảy xuống cứu bạn ấy thì tốt quá. Nam cứu 5 người, chỉ cần một người cứu Nam mà không có....

Bên cạnh câu hỏi mở thì câu hỏi theo bài học ngỡ là “lối quen” vẫn có những bài thí sinh nhầm đến buồn cười. Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” có chi tiết về sự đáng yêu của Mị được Tô Hoài miêu tả “Trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” (tức là đứng ở bên ngoài nhà Mị) vậy mà có thí sinh nhầm lẫn viết thành "trai đứng thổi sáo quanh giường trước khi Mị ngủ.”

Cũng tác phẩm trên, có học sinh bị tâm lý thi cử căng thẳng mà nhầm A Phủ với A Sử. Hai nhân vật như trắng với đen, chính diện với phản diện mà viết nhầm tên thì thật kỳ lạ.

Lại có thí sinh nhầm Hạ Du và Thuyên. Một nhà cách mạng bị xử chém và một người chết bệnh. Vòng hoa bí mật đặt trên mộ người cách mạng hy sinh vì nghĩa lớn có ý nghĩa khác với đặt trên mộ người chết vì bệnh lao.

Theo nhận định của một giám khảo, cũng khó tránh có những bài viết sáo, chưa được sâu nhưng hầu hết các em nhận ra vấn đề. Biết việc các em làm bài thi thế nào, sẽ giúp các thầy, cô điều chỉnh cách dạy của mình. Một là chống sáo mòn và hai là dù môn Văn có tùy hứng, bay bổng nhưng cũng rất cần sự chính xác, chuẩn mực nhất định./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục