Đề xuất tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được tổ chức sáng 20/8, tại Bình Định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp lớn để tiếp tục phát triển vùng miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành một vùng động lực, một đầu tàu kinh tế của đất nước.
Với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên quan vùng kinh tế miền Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển.
Vùng xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc-Nam và hệ thống đường ngang Đông-Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; khẩn trương xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Trong nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao; nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
[Tám điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của Vùng kinh tế miền Trung]
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất, cần tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển.
Tập trung xây dựng các đô thị ven biển có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng.
Vùng cần phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên về lưu trữ và điều tiết nguồn nước ngọt; tiếp tục thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Vùng kinh tế miền Trung cũng cần đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu cũng là giải pháp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Theo đó, Bộ đề nghị vùng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng, đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc-Nam, Đông-Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục có kế hoạch đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển, đường nối từ khu vực ven biển lên Tây Nguyên; kết nối các tuyến đường cao tốc trong vùng; sớm đầu tư tuyến đường sắt Bắc-Nam khổ 1,4 m; nâng cao hiệu quả hoạt động các cảng biển trong khu vực; trong đó, chỉ nên tập trung đầu tư cho một số cảng biển đầu mối.
Cuối cùng là nhóm giải pháp về nguồn lực. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hoàn thiện thể chế để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội đồng vùng; phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ đạo, các Hội đồng vùng, các Bộ, ngành và địa phương trong vùng; đồng thời, cần có cơ chế tài chính cụ thể để phục vụ các hoạt động của Hội đồng vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ trong vùng.
Theo đó, cần lựa chọn một số hoạt động hợp tác về khoa học công nghệ trong vùng, huy động sức mạnh các địa phương, các trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu và nhà đầu tư lớn để có các sản phẩm khoa học công nghệ mang tính ứng dụng, đổi mới sáng tạo, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra, có tính thương mại cao; hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố trong vùng, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn, phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.
Mặt khác, Bộ này đề xuất phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh./.