Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất các phương án phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân Thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch của đợt dịch lần thứ 4, sau gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Cuối tháng 10 có hơn 450.000 người mắc, chiếm 47% số ca mắc của cả nước và hơn 16.600 người đã mất, chiếm 75% tổng số ca tử vong của cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Bình quân, trong giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp của thành phố. Điều này có nghĩa, 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng về tăng trưởng kinh tế, dự báo trong năm nay tăng trưởng âm 5%," đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Để khắc phục hậu quả dịch COVID-19 và tăng trưởng phục hồi kinh tế, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, các chuyên gia và doanh nghiệp xác định có 4 giải pháp cần tập trung thực hiện: Tổng kết sâu sắc công tác phòng, chống dịch trong 2 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh cần kiểm soát số người mắc mỗi ngày, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; hỗ trợ cho 430.000 người mắc và gia đình của hơn 16.600 người đã mất do COVID-19 để họ có điều kiện phục hồi sức khỏe và điều kiện sống, làm việc; thu hút trở lại hàng trăm nghìn doanh nghiệp, lao động đã trở về quê, bổ sung nhu cầu lao động của thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, dự báo khoảng 20% doanh nghiệp của thành phố có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ; nhưng 80% doanh nghiệp cần hỗ trợ của nhà nước để có đủ vốn lưu động, với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Như vậy, tổng mức vay khoảng 440.000 tỷ đồng, có thể khởi động lại hầu hết các doanh nghiệp này. Với mức vay 5 tỷ đồng, chiếm 20% doanh thu/năm/doanh nghiệp và vay 25 triệu đồng/hộ, chiếm 5% doanh thu/hộ, các doanh nghiệp, hộ cá thể có thể trả được.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thiện nhân kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp và cho phép chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công, không chi hết trong năm nay, chuyển sang hỗ trợ các doanh nghiệp và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
[Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội]
Gửi lời cảm ơn đến các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị cần vinh danh kịp thời, tuyên dương đúng công trạng của các cá nhân, tập thể ngành Y tế, quân đội, công an, đặc biệt những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác mua vaccine phòng COVID-19 và trang thiết bị y tế... để cùng ứng phó với dịch COVID-19.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: "Cần có sự đột phá hơn nữa, không cần phải khai đúng quy trình nhưng đúng thành tích, đúng người; mạnh dạn hơn nữa, kịp thời động viên và tri ân để thể hiện sự trân trọng của Đảng, Chính phủ, nhân dân với những danh hiệu xứng đáng."
Tuy nhiên, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện giải pháp thúc đẩy về vai trò, trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tham mưu cho Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Điển hình, lô hàng hơn 22.000 lon sữa, do kiều bào Australia ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch COVID-19 về đến Thành phố Hồ Chí Minh gần 1 tháng nhưng "không lấy ra được."
Do đó, đại biểu mong muốn Chính phủ tạo cơ chế hành chính thông thoáng, quy định trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, từng cán bộ trong tham mưu những việc cần thiết, không cần "nhờ vả" hay "quen biết," để tạo thuận lợi nhất cho người dân, đặc biệt người dân khó khăn trong đại dịch. "Chúng ta cần một sự phân cấp mạnh, hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống cụ thể," đại biểu Tô Thị Bích Châu kiến nghị.
Liên quan đến Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn "vì có rất nhiều vấn đề vướng mắc để Nghị định kịp đi vào cuộc sống."
Chủ động dự báo và có kịch bản ứng phó
Phát biểu trực tuyến tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Phan Văn Xựng nêu bật những nỗ lực phòng, chống dịch của quân đội trong thời gian vừa qua. Theo đó, các đơn vị quân đội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, huy động tối đa nguồn lực, vừa chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo nhiệm vụ quân sự quốc phòng; đồng thời, nâng cao khả năng dự báo sử dụng lực lượng và phương tiện của quân đội, chủ động, kịp thời, đúng lúc, hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Trong các đợt dịch bùng phát, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động, tăng cường lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cao nhất, tốt nhất, hiện đại nhất để hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
"Cùng với việc triển khai huy động các nguồn lực quốc gia phòng, chống dịch, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị thiếu đói; tham gia đề xuất chế độ chính sách cho các đối tượng. Toàn quân đã huy động 6.162 chuyến xe tải, 3 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay vận chuyển hơn 25 nghìn tấn hàng hóa, thu hoạch nông sản giúp nhân dân," đại biểu Phan Văn Xựng cho biết.
Đề cập đến việc tổ chức khâm liệm và hỏa táng người tử vong do COVID-19, tiếp nhận, bảo quản và bàn giao tro cốt cho gia đình có người thân bị mất do COVID-19 chu đáo, đại biểu Phan Văn Xựng chia sẻ: "Đây là việc làm chưa từng có trong tiền lệ nhưng cán bộ, chiến sỹ, dân quân đã nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, coi người mất như người thân của mình, phục vụ trên tinh thần tận tâm, tận tình và trân trọng. Các cơ quan quân sự địa phương phối hợp với cơ quan chức năng bàn giao kỷ vật người tử vong do COVID-19 cho gia đình."
Theo đại biểu Phan Văn Xựng, càng trong khó khăn gian khổ, hình ảnh người bộ đội cụ Hồ càng tỏa sáng; thể hiện rõ nhận thức quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, quan điểm tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết. Muốn chống dịch phải vào tâm dịch, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có hơn 4.000 đồng chí bị mắc COVID-19.
Tuy nhiên các cán bộ, chiến sỹ quân đội luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính tổ chức tính kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, luôn chủ động sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt có đồng chí được điều trị khỏi đã tình nguyện ở lại phục vụ chống dịch, nhiều đồng chí có người thân qua đời đã nén đau thương ở lại đơn vị để chống dịch, đại biểu Phan Văn Xựng chia sẻ.
Trong bối dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đại biểu Phan Văn Xựng đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành chức năng chủ động dự báo và có kịch bản phòng, chống dịch hiệu quả, theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ./.