Đề xuất sửa đổi thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng

Theo Bộ Tài chính, mức thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh trong thời gian qua được dự kiến sửa đổi để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề xuất sửa đổi thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: tapchitaichinh.vn)

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp.

Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính xây dựng gồm có 2 Điều với 4 nhóm nội dung chính. Theo đó, sẽ sửa đổi mức thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh trong thời gian qua để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự thảo cũng sửa đổi mức thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu MFN (hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện quy chế tối huệ quốc) đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước; hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn sau năm 2022 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển như: vàng, bột thạch anh mịn, hạt giống cây trồng...

[Nghiên cứu ưu đãi thuế, khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam]

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sẽ không phát sinh thủ tục hành chính mới hay thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ. Đồng thời, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung là những vấn đề đã được cơ quan thuế, cơ quan hải quan thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Khi thực hiện dự thảo Nghị định theo phương án sửa đổi bổ sung, đề xuất sẽ không làm phát sinh chi phí tuân thủ cũng như nguồn lực cho tổ chức thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội thế giới và trong nước, làm đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động; hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ; trong đó, lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách bị gián đoạn do giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, quy mô thị trường bị thu hẹp.

Thời gian qua, Bộ đã nhận được kiến nghị của một số hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh mức thuế xuất nhập khẩu của một số mặt hàng trong biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; đồng thời, phản ánh một số vấn đề phát sinh từ việc thực hiện Nghị định số 57/2020/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cũng nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về kiến nghị của Tỉnh ủy Hải Dương liên quan đến đề nghị của Công ty Ford Việt Nam; trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể về việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ôtô quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP; nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2020).

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP cho phù hợp với yêu cầu và bối cảnh hiện nay. Việc xây dựng Nghị định sẽ phù hợp với các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, mức thuế quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước trước ảnh hưởng của dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục