Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Văn Luyến cho biết trước bức xúc của người dân bị mất đất sản xuất do nước dâng, lãnh đạo huyện đã làm việc với Công ty chủ đầu tư Nhà máy Sông Côn để bàn cách tháo gỡ và và quan điểm của Sở Công thương Quảng Nam là đền bù thỏa đáng cho người dân trước khi tích nước theo cao trình mới.
Nhà máy Thủy điện Sông Côn 2 (thuộc Công ty cổ phần thuỷ điện Geruco Sông Côn) nằm trên địa bàn huyện Đông Giang, được khởi công xây dựng vào ngày 26/11/2005 với tổng mức đầu tư được duyệt là 1.055 tỷ đồng với quy mô công suất thiết kế là 57MW (trong quá trình thi công được nâng công suất lên thành 63MW).
Tháng 9/2009 hoàn thành công tác xây dựng và đưa vào vận hành toàn bộ các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sông Côn 2 phát điện vào hệ thống điện quốc gia, với tổng công suất các tổ máy là 63 MW.
Với thiết kế ban đầu, thủy điện Sông Côn 2 có cao trình nước dâng 278m. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào vận hành, khai thác, cuối năm 2011 ban điều hành thủy điện Sông Côn 2 đã quyết định nâng đập tràn cao lên thêm 1m bằng cách lắp đặt lên thân đập một hệ thống van lật bằng sắt tấm. Giải pháp này đã làm tăng lượng nước trong lòng hồ gần 1 triệu m3, từ đó mang lại cho nhà máy khoảng 10 tỉ đồng/năm, nhưng cũng làm hàng chục ngàn m2 đất sản xuất của người dân các xã Jơ Ngây, Sông Kôn, A Ting và Kà Dăng (Đông Giang) chìm trong nước.
Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam cho biết: sau khi đưa vào vận hành và phát điện năm 2009, nhà máy thuỷ điện Sông Côn 2 có có lắp đặt thêm một số thiết bị nhằm nâng cao trình đập tràn thêm 1m. Nhà máy đã có văn bản trình các Sở Công thương và một số ban, ngành liên quan nhằm hợp thức hoá sáng kiến này.
Sở Công Thương cũng đã hướng dẫn Nhà máy tiến hành làm một số thủ tục theo quy định về mặt quản lý nhà nước để đưa vào sử dụng cao trình mới của đập. Sau khi đầy đủ thủ tục và được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt thì mới được tích nước theo cao trình mới. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là nhà máy cần đền bù, hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng do nước dâng ngập diện tích đất sản xuất trên một cách thỏa đáng./.