"Sống" lại thời bao cấp

Đến... Cửa hàng mậu dịch, "sống" lại thời bao cấp

Bao cấp! Nỗi ám ảnh khó khăn đeo đẳng cả một thời kỳ dài giờ quay trở lại đầy thi vị trong không gian độc đáo, có một không hai.
“Ở đây tai vách mạch rừng/ Những điều trông thấy xin đừng nói ra.” Tấm biển với những nét kẻ vẽ giản dị treo trên tường với câu khẩu hiệu vốn được người Hà Nội thời bao cấp truyền tai nhau khiến nhiều bạn trẻ bật cười. Tuy nhiên, nó cũng khiến không ít bậc cao niên rưng rưng nhớ lại Hà Nội của một thuở cứ năm giờ sáng là chạy gọi nhau: “Hôm nay, đậu phụ ô 4, lạc vừng ô 5, rau xanh ô 6…” Để làm sống lại "một Hà Nội thời bao cấp", người đàn ông tên Phạm Quang Minh đã phục dựng lại một cửa hàng ăn uống mậu dịch đúng chất cổ ở số 37 phố Nam Tràng, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Đến với không gian này, thực khách thực sự được sống lại với một thời khăn khó, được sống với quá khứ. Người trẻ cũng sẽ hiểu hơn được giá trị cuộc sống và những gì cha ông họ đã trải qua. Từ một ý tưởng… “gàn dở” Căn nhà nhỏ màu vàng nằm lặng lẽ trong một con phố nhỏ khá lắt léo gần Hồ Tây thu hút ánh nhìn của người đi đường với tấm biển hiệu “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” cùng hình ảnh chiếc xe đạp treo “vắt vẻo” trên bức tường. Một không gian đậm đặc chất cổ! Sinh ra và lớn lên giữa lòng Hà Nội thời kỳ bao cấp, ấn tượng về những tháng ngày gian khó ấy chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí anh Quang Minh, chủ nhân của ngôi nhà. Tự lúc nào không hay, nó trở thành niềm thôi thúc anh tái dựng lại không gian của thời kỳ ấy để thế hệ thanh niên bây giờ “tìm hiểu xem thế hệ ông bà, cha mẹ chúng đã sống như thế nào” theo lời anh nói. Vẻ mặt trầm ngâm, người đàn ông tóc hoa râm ấy cho hay: “Ý tưởng tái hiện lại một không gian thời bao cấp của Hà Nội xưa đã có từ nhiều năm trước, nhưng đến bây giờ, giấc mơ ấy mới được hiện thực hóa.”
Đến... Cửa hàng mậu dịch, "sống" lại thời bao cấp ảnh 1
Góc Hà Nội thời bao cấp (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)
Giữa thời kỳ mà những sản phẩm dân dụng tiện ích xuất hiện ngày càng nhiều, việc kiếm tìm, sưu tập lại chiếc bàn là Liên Xô, dải tem phiếu, cục đá khắc tên chủ nhân từng được dùng để xếp hàng mua thực phẩm,… cách đây vài ba thập kỷ không phải là điều dễ dàng. Lật tìm trong ký ức, lần giở lại những mối quan hệ, để rồi lại một mình lặng lẽ tìm gặp những người đã sống qua thời kỳ bao cấp với hy vọng họ còn giữ lại những vật dụng của thời kỳ ấy. Ra đi rồi lại trở về… tay không, có những lúc anh Minh tưởng như kế hoạch của mình sẽ phải dừng lại. Không ít lần, “người ta bảo tôi là kẻ điên, gã gàn dở; sung sướng, tiện nghi không muốn lại thích tìm về những thứ cũ rích. Thậm chí, có người còn bảo tôi cố tình ‘chơi ngông’ hay than nghèo kể khổ,” giọng cười buồn, anh Minh kể. Lặng đi, ánh mắt nhìn xa xăm, anh chia sẻ trong sự xúc động rưng rưng. “Cũng khó trách người đời,” bởi lẽ theo anh, “đó là một thời để nhớ nhưng cũng là một thời để quên. Có người muốn quên đi một quá khứ đau khổ, một thời kỳ dài khó khăn nhưng cũng có không ít người luôn muốn lưu giữ lại những mảnh ký ức ấy.” Hiểu được tâm ý người thích hoài cổ, những người bạn cùng trang lứa với anh Quang Minh như Vinh Tân Đảo, tay săn đồ cổ có hạng, nổi tiếng với “Cafe xe cổ” - một bảo tàng đồ cổ mini giữa lòng Hà Nội, họa sỹ Quách Đông Phương, Lê Thiết Cương,… đã giúp anh sưu tập những vật dụng của thời bao cấp. Cùng với đó, nhiều người cũng tự tìm đến tặng lại anh những đồ dùng mà họ đã giữ gìn hàng chục năm. Đến không gian Hà Nội của một thời… xa xôi Âm thanh rè rè từ chiếc loa đài cũ kỹ với những câu chuyện về chị phụ nữ đảm đang, anh thanh niên dũng cảm,… của thời kỳ bao cấp bao trùm không gian ngôi nhà nhỏ. Lặng thinh, ngỡ ngàng trước hình ảnh những chiếc dải tem phiếu, chiếc xe đạp Vĩnh Cửu và những chiếc mũ cói, mũ lá,… được treo vắt vẻo trên tường, bác Minh Lan (Tây Hồ) xúc động nói: “Lâu lắm rồi tôi mới được gặp lại những vật dụng này.” Triền miên trong câu chuyện, bác kể về thời kỳ phải đặt gạch xếp hàng từ 3, 4 giờ sáng, thậm chí là từ 12 giờ đêm hôm trước.để mua thực phẩm; thời kỳ mà gạo chỉ được phân phối theo tiêu chuẩn nên cơm thường phải độn thêm mỳ, khoai, sắn và hạt bo bo,... “Hôm nào mẹ tôi mua được con cá thì phải mua thêm mớ rau to phủ lên trên rồi mới dám xách về. Nhà có con gà cũng phải mổ giấu giếm, ăn lén lút như đồ ăn trộm để không bị gọi là tiểu tư sản,” bác Lan cười hiền và nói. Hà Nội của một thời xưa cũ. Bước vào không gian này, không ít bạn trẻ tỏ ra thích thú, say sưa ngắm nhìn những chiếc chụp đèn tráng men “cổ lỗ sỹ,” chiếc quạt con cóc, quạt tai voi hoen gỉ, chiếc tivi đen tráng to như một cái thùng sắt chứa đồ, những bát tráng men sứt mẻ - dấu tích của một thời khó khăn.
Đến... Cửa hàng mậu dịch, "sống" lại thời bao cấp ảnh 2
Dấu tích của một thời đã qua (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)
“Một không gian khác hoàn toàn với những xô bồ, ồn ã, tấp nập ngoài kia. Em được trải nghiệm những cảm xúc mới để hiểu hơn những giá trị của cuộc sống hiện tại khi biết được thế hệ ông bà, cha mẹ mình đã sống và vươn lên như thế nào,” một bạn trẻ nói khi đang say sưa ngắm nhìn những đôi dép cao su mòn vẹt theo thời gian. Chiếc biển hiệu giản dị “Quầy hàng giải khát - Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” với nội quy “Cấm chen ngang” như lời nhắc nhở về văn hóa ứng xử. Trong thời kỳ nghèo khổ ấy, mọi người vẫn vui vẻ xếp hàng đợi đến lượt mình, không tranh giành. Ấy vậy mà giờ đây, khi cuộc sống đã văn minh hơn rất nhiều, người ta lại sẵn sàng chen lấn, xô đẩy, đạp đổ cả cổng trường mầm non, trường Thực nghiệm để tranh phần trước!!! Khi cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn thì những hoài niệm về Hà Nội một thời khó khăn lại càng hiện về rõ rệt, trở thành nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi với chính người đã từng bước qua giai đoạn đó. Bao cấp! Nỗi ám ảnh khó khăn đeo đẳng suốt một thời kỳ dài giờ quay trở lại đầy thi vị trong không gian độc đáo, có một không hai ở Hà Nội này./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục