Có quá không khi ví von dép tổ ong đã trở thành "tượng đài" dưới chân của người Việt? Nhìn xuống chân mình, có người nhớ về tuổi thơ dữ dội, đến trường trên đôi dép tổ ong mòn vẹt mũi; có người nhớ về những ngày chạy nhảy, dùng dép ném lon, làm gôn đá bóng...
Ký ức của tôi về “đôi dép thân thương” là những vết hằn trên cổ tay và vai, khi vắt vẻo buộc dép làm áo giáp, lập trận giả, đánh nhau với lũ bạn trong khu tập thể...
Tôi không thể tưởng tượng ai đi qua tuổi thơ mà không từng kinh qua vài đôi tổ ong.
Hình ảnh những chiếc dép vứt lăn lóc nơi bậc thềm cứ trở đi trở lại trong tâm trí.
Nói kiểu ngôn tình Tân Di Ổ (một nhà văn Trung Quốc): "Ai trong tim chả có một tòa thương thành," sẽ là "Ai trong ký ức chả có một đôi dép tổ ong."
Nhìn xuống chân mình, có người nhớ về tuổi thơ dữ dội, đến trường trên đôi dép tổ ong mòn vẹt mũi; có người nhớ về những ngày chạy nhảy, dùng dép ném lon, làm gôn đá bóng...
Ký ức của tôi về “đôi dép thân thương” là những vết hằn trên cổ tay và vai, khi vắt vẻo buộc dép làm áo giáp, lập trận giả, đánh nhau với lũ bạn trong khu tập thể.
Tối hôm ấy, bố mẹ thằng bạn thân dẫn nó sang nhà tôi xin lỗi, “áo giáp” không hề hấn gì, riêng tôi khâu 5 mũi.
Vậy đấy, có ký ức nào về đôi dép tổ ong đang dội lên trong bạn?
Trong ký ức của đám thanh niên 8X, đầu 9X, những bước đi mòn vẹt của đôi dép tổ ong hằn sâu đến mức trở thành hình tượng trong vài câu nói quen thuộc của dân gian những năm gần đây.
Bên bờ kè ven sông, lấy dòng sông làm nền, lấy tiếng côn trùng rả rích làm âm thanh, lấy đôi dép tổ ong của người nam, chia đôi làm nơi ngồi trò chuyện.
Cưa cẩm mãi mà cô gái vẫn ừ hữ, nhiều trai thanh, trong những buổi nhậu của cánh đàn ông, hùng hổ tuyên bố: “Không yêu giả dép bố về," thể hiện thái độ quyết đoán, nhanh gọn trong tình yêu nam nữ thời nay.
Thời buổi công nghệ, cứ 5 giây ấn chuột là màn hình đổi sắc, thông tin lao về rào rào như châu chấu, những anh hùng bàn phím, những “Lục Vân Tiên” đời mới thấy chuyện bất bình hay đôi ba cuộc khẩu khí trên mạng, liền nhanh tay gửi đi dòng chữ “lót dép ngồi hóng.”
Chiếc dép vô tình trở thành thái độ sống rất mới của thanh niên “ảo”: tôi quan tâm đến mọi khó khăn, trắc trở, đau buồn trong xã hội... miễn là nó không xảy ra với tôi.
Hãy thử tưởng tượng, trong hai ví dụ trên, thay vì đôi dép, người nói dùng giày cao gót, hay giày thể thao, kiểu "Không yêu giả giày thể thao bố về" sẽ giống chuyện chia tay đòi quà và "lót giày cao gót ngồi hóng" sẽ làm mất đi sự dân dã của những người bàn chuyện.
Vậy đó, những thứ đủ sức bước vào tiềm thức dân gian thì đâu dễ phai mờ.
Sau 30 năm kể từ mốc son năm 1986, thế giới đã xoay vần đến chóng mặt. Trang phục ra đường của phụ nữ ngày một ngắn lại theo thời gian.
Điện thoại di động lúc phình to khi thu nhỏ, thông minh hơn, tốn pin hơn và “đánh cắp” thời gian của con người nhiều hơn.
Màn hình tivi to ra và mỏng lại, từ ngôi vị trung tâm của cả gia đình nay lại bị bỏ xó. Người với người trong cùng nhà, cùng ngõ nói chuyện ít hơn, ngại ngùng hơn...
Dép tổ ong cũng không phải ngoại lệ. Nó cũng có đâu đó vài lần thay đổi mẫu mã, cuối cùng, không hiểu sao vẫn quay về kiểu dáng cũ quen thuộc. Hóa ra không phải cứ mới là tốt.
Từ nhà ra ngõ, bàn chân Việt bây giờ có quá nhiều lựa chọn để được “nâng niu”: giày cao gót, giày công sở, giày thể thao, giày lười, dép xỏ ngón, dép sục...
Giữa hằng hà chủng loại ấy, dép tổ ong dần thoái lui về một góc nhà, hoặc chui dưới gầm giường một khách sạn bình dân nào đó, nơi những đôi tổ ong đôi khi bị cắt mũi, viết chữ to để tránh mất.
Ngay cả khi đã rút về “hoạt động” kín đáo, đôi dép cũng lại là nhân chứng cho hàng ngàn cuộc tình, hay to tát hơn là chứng kiến sự bùng nổ ái tình, khi mà nhà nghỉ, khách sạn mọc lên san sát, người ta "yêu" nhau nhiều hơn, tự do hơn.
Và lẽ tất nhiên, họ sẽ không đi giày thể thao hay dép cao gót trong nhà nghỉ.
Dù rất kiên cường, nhưng dép tổ ong cũng đang chịu sự xói mòn của thời gian, và một ngày nào đó, có thể đôi dép sẽ biến mất khỏi tầm mắt chúng ta.
Có những thứ nhỏ bé quan trọng ở bên ta mà sự có mặt của nó quá đỗi quen thuộc khiến ta ít để ý chỉ khi nó mất đi rồi ta mới bắt đầu cảm thấy tiếc nuối.
Hộp diêm Thống Nhất là vậy, một người tri kỷ là vậy, và rất có thể, đôi dép tổ ong cũng là vậy.
Đã 30 năm có lẻ, bãi bể nương dâu, chỉ có dép tổ ong vẫn kiên nhẫn chiến đấu như một “tượng đài” dưới chân chúng ta, mặc bao người chà đạp.
Chỉ là không biết, đến 30 năm sau, liệu có ai còn "khóc" dép tổ ong./.