Tại Hà Nội những ngôi trường như Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân được xây dựng trên đất của Nhà máy Rượu Hà Nội, hay trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm được xây trên đất của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân đang là minh chứng cho hiệu quả của việc di dời.
Tuy nhiên, trên thực tế số doanh nghiệp sau di dời dành đất cho công trình công cộng, phúc lợi còn quá ít, khiến nhiều người băn khoăn "đất vàng" có được sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng hay không?
Giám sát công khai quỹ đất sau di dời
Để việc di dời cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khỏi nội đô được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thành phố Hà Nội đã thực hiện quy hoạch nhiều khu cụm công nghiệp tại các quận ngoại thành.
Cụ thể, phía Bắc quy hoạch khoảng 3.200ha để phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí. Phía Tây quy hoạch 1.800ha ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới.
Tại các thị trấn trên địa bàn, quy hoạch khoảng 1.400 đến 1.500ha để ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao.
Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với các sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương để rà soát, đối chiếu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện với các địa điểm di dời, khu - cụm công nghiệp theo danh mục cụ thể.
Từ đó, đề xuất với thành phố trên nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời (di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch và ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch) để tạo quỹ đất cho thành phố.
Theo đó, đến năm 2020 công tác di dời được thực hiện theo lộ trình: Giai đoạn 1 sẽ thực hiện di dời ở 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; giai đoạn 2 sẽ thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch; giai đoạn 3, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; giai đoạn 4 di dời các cơ sở còn lại.
Về việc khai thác sử dụng quỹ đất sau di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, qua thống kê, đến thời điểm này có 7 cơ sở sản xuất đã di dời ra khỏi nội đô với diện tích 256,5ha, thuộc 11 quận, huyện. Với những cơ sở đã di dời, căn cứ vào quy hoạch, Sở này đã lên khung định hướng sử dụng đất.
Trong đó, đối với 4 quận lõi sau khi dời các cơ sở công nghiệp ra ngoài sẽ sử dụng quỹ đất phục vụ lợi ích công cộng của khu vực.
[Sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, lộ chuyện ì ạch di dời cơ sở ô nhiễm]
Đối với quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, ưu tiên quỹ đất để dành phát triển công trình phục vụ lợi ích công cộng của khu vực (thương mại dịch vụ, hệ thống trường học phổ thông…), hạn chế phát triển nhà ở. Tại các địa bàn trên cũng khuyến khích xây dựng các nhà công cộng cao tầng, hiện đại đa năng, quảng trường lớn không gian mở.
Còn khu vực quận Hoàng Mai, quỹ đất sau di dời được ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng, trường phổ thông, dạy nghề chuyển đổi cơ cấu địa phương, công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội, tiện ích đô thị khác. Tại đây, cũng được khuyến khích xây dựng công trình công cộng, trường học nhà trẻ, quảng trường và không gian mở.
Mặc dù vậy, không ít người cho rằng nhiều diện tích đất của một số nhà máy, cơ sở sản xuất sau khi được dời đi đã nhường chỗ cho các cao ốc, gây áp lực cho hạ tầng. Chỉ tính riêng khu vực tuyến đường Lê Văn Lương đã có tới 70 nhà cao tầng, với dân số vài nghìn người, tạo sức ép ghê gớm lên hạ tầng xã hội quanh khu vực.
Về việc này, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố lý giải, đối với các dự án nhà ở hỗn hợp có ở được xây dựng trong thời gian qua, đều thực hiện đúng các quy định về phát triển nhà ở của Chính phủ và Hội đồng Nhân dân thành phố.
Giải pháp đẩy nhanh di dời nhà máy
Trước thực trạng nhiều nhà máy chậm di dời ra khỏi nội đô theo kế hoạch, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian tới, việc triển khai, di dời các nhà máy xí nghiệp rất cấp bách.
Nhưng vấn đề mục đích sử dụng của khu “đất vàng” sau khi di dời phải được minh bạch theo nguyên tắc thực hiện đúng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng như trường học, công viên để cho cộng đồng được hưởng lợi.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội nhìn nhận, nếu việc di dời không được thực hiện một cách nghiêm túc, có thể bớt đi được một vài nhà máy song lại thay thế bằng nhiều chung cư thì lại trở thành một thảm họa khác, gây áp lực về hạ tầng cho thành phố.
Một chuyên gia cũng phân tích, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn nên muốn di dời, thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển.
Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để việc di dời đảm bảo lộ trình, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan sẽ tiến hành thông báo chủ trương của thành phố về công tác di dời và đề nghị các doanh nghiệp nêu rõ quan điểm, đề xuất cách làm, nguồn lực… và các kiến nghị với thành phố để kịp thời được giải quyết vướng mắc nếu có.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội không thể để doanh nghiệp "ôm" đất chờ thời và gây hiểm họa về môi trường cho thành phố.
Theo Sở Xây dựng, đến năm 2020, thành phố Hà Nội cần thêm hơn 17 triệu m2 đất để xây trường học, tương đương với số trường xây thêm là 728 trường. Tiếp đó, đến năm 2030, số trường xây mới sẽ là 1.060 trường.
Qua đây cho thấy, nhu cầu mặt bằng để xây dựng công trình trường học và phúc lợi là rất lớn. Tuy nhiên, không dễ gì thành phố Hà Nội thực hiện được mục tiêu trên khi mà việc di chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn diễn ra ì ạch như hiện nay.
Thực tế đã cho thấy, hai năm qua thành phố Hà Nội mới chỉ di dời được 7/117 cơ sở trong diện di dời. Dư luận cho rằng với tốc độ như vậy thì Hà Nội cần đến vài năm mới có thể giảm hết số lượng 117 cơ sở theo như kế hoạch./.