Di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

Ngày 23/2, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Ngày 23/2, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận các xã An toàn khu, Vùng An toàn khu ở tỉnh Lạng Sơn; đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Ngày 25/9/1936, Chi bộ Đảng đầu tiên của Châu Bắc Sơn được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nông dân xã Đế Đống nay là xã Long Đống đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh do Đảng phát động, để chống lại sự áp bức bóc lột, sưu cao, thuế nặng, bắt phu trong ngày mùa...

Từ các cuộc đấu tranh đó, nhiều gia đình ở xã Long Đống đã giác ngộ cách mạng. Trong thời gian kháng chiến, nhiều gia đình đã che chở, nuôi giấu và giữ bí mật tuyệt đối cho các cán bộ cách mạng từ Trung ương đến địa phương dừng chân và hoạt động trên địa bàn huyện.

Từ năm 1938, địa danh Khuổi Guồng, thôn Thủy Hội, xã Long Đống đã trở thành "Trạm dừng chân" của các cán bộ cách mạng qua lại hoạt động giữa các vùng căn cứ cách mạng.

Cuối năm 1937, đầu năm 1938, Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Xuân Thụ lên Bắc Sơn củng cố xây dựng con đường chiến lược từ Bắc Sơn qua Bình Gia, Thất Khê, đến biên giới Việt-Trung và từ Bắc Sơn qua huyện Võ Nhai tỉnh Thái nguyên về xuôi, nối liền vùng căn cứ cách mạng Đại Từ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Khi đó, thị trấn Bắc Sơn là một điểm của tuyến đường chiến lược và là trung tâm liên lạc, tổ chức đưa đón, bảo vệ cán bộ cách mạng đi lại giữa các vùng căn cứ địa cách mạng để huấn luyện quân sự, chính trị cho các chiến sỹ cách mạng Bắc Sơn.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ, phong trào cách mạng Bắc Sơn đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Các đội tự vệ được thành lập, một số chiến sỹ tự vệ ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang và các huyện phía nam Thái Nguyên cũng lên chiến khu Bắc Sơn tập luyện. Chiến công đầu tiên là ngày 27-28/9/1940, tại đèo Canh Tiếm, quân khởi nghĩa và nhân dân xã Chiến Thắng đã chặn và tiêu diệt bảy tên lính Pháp, thu nhiều vũ khí.

Tháng 2/1941, đoàn đại biểu Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đi dự hội nghị Trung ương 8 ở Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập đã dừng chân tại Khuổi Nọi, để nắm tình hình và chỉ thị những chủ trương, biện pháp công tác cần kíp, đồng thời quyết định thành lập đội Cứu quốc quân I.

Sau đó, đoàn cán bộ được đội cứu quốc quân I và đồng bào xã Chiến Thắng bảo vệ tuyệt đối an toàn đi qua đèo Canh Tiếm để bàn giao cho trạm khác, đi dự hội nghị Trung ương 8 ở Pác Bó (Cao Bằng).

Khi trở về, đoàn đã dừng chân tại xã Tân Lập 42 ngày để truyền đạt Nghị quyết Trung ương 8 cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện Bắc Sơn và giúp Đảng bộ huấn luyện cán bộ. Trong thời gian dừng chân hoạt động xã Chiến Thắng, các lãnh đạo Trung ương được nhân dân che chở và bảo vệ tuyệt đối an toàn.

Ngày 18/4/1945, Bắc Sơn hoàn toàn giải phóng. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhận định xã Chiêu Vũ là nơi vị trí chiến lược an toàn nên tháng 10/1946, chính quyền cách mạng đã đưa nhà máy công binh xưởng sản xuất vũ khí đầu tiên về đặt tại Rì Rọ, Tân Kỳ, xã Chiêu Vũ để chuyên sản xuất vũ khí. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ủng hộ sức người, cơ sở vật chất cho phong trào cách mạng, đóng góp một phần công sức trong việc giải phóng quê hương đất nước.

Ngày nay, mỗi địa danh và dấu ấn của Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn năm xưa luôn có một giá trị lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam nói chung và với đồng bào các dân tộc vùng An toàn khu Bắc Sơn nói riêng. Với giá trị lịch sử vô cùng quý giá đó, vùng An toàn khu Bắc Sơn mãi mãi là "địa chỉ đỏ" trong giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục