Có dấu hiệu "bớt nóng"

Dịch bệnh gia súc, gia cầm có dấu hiệu "bớt nóng"

Nhờ nỗ lực quyết liệt dập dịch của các sở, ngành liên quan, dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các địa phương đã có dấu hiệu "bớt nóng."
Theo tin, điện của phóng viên TTXVN tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 9/4, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục phát sinh tại một số địa phương như xã Tân Bình, còn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang có dịch cúm gia cầm.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan thú y và các hộ chăn nuôi, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu "bớt nóng" so với thời điểm cuối tháng Ba và tuần đầu tháng Tư vừa qua. Đây là kết quả tích cực trong thời điểm giao mùa, dịch bệnh dễ bùng phát như hiện nay.

Ngày 9/4, ông Lã Viết Hiển, chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Nam Định khẳng định, địa phương này đã thoát khỏi dịch lở mồm long móng. Có được kết quả này, theo ông Hiển, ngay từ khi được tin báo có dịch bệnh gia súc, gia cầm, lực lượng thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Các ngành chức năng tổ chức họp trưởng thôn, xóm để thông báo tình hình dịch lở mồm long móng tại nơi xảy ra dịch; giao cho trưởng thôn, xóm quản lý, giám sát đàn vật nuôi đến tận hộ chăn nuôi, khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường khẩn cấp báo cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời; khuyến cáo người dân không giấu dịch, không vứt xác gia súc bừa bãi.

Bên cạnh việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn bà con chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống, Nam Định cũng tiêu hủy toàn bộ số lợn ốm, chết tại ổ dịch theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh thú y.

Để dịch bệnh không lây lan rộng ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng của bà con, Nam Định rà soát, thống kê lại tổng đàn trâu, bò trên địa bàn xã có dịch, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắcxin lở mồm long móng toàn bộ số lợn mới phát sinh, chưa được tiêm phòng vụ Xuân 2011 tại thôn Phú Bình.

Tỉnh Nam Định cũng lập chốt kiểm dịch tại xã để kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc; tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi thực hiện nuôi nhốt gia súc trong thời gian có dịch; đồng thời hướng dẫn các hộ dân tăng cường chăm sóc, chống đói, chống rét cho gia súc, vệ sinh khu chăn nuôi.

Tại Bạc Liêu, "chiến dịch" tiêm ngừa vắcxin, làm vệ sinh môi trường chuồng trại cho đàn gia súc gia cầm tại những nơi từng phát sinh ổ dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, lợn tai xanh trong thời gian qua đang được triển khai.

Cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người chăn nuôi các kiến thức cần thiết để nhận diện bệnh khởi phát trên đàn gia súc, gia cầm nhằm chủ động phát hiện sớm mầm bệnh, đối phó kịp thời, chính quyền địa phương và ngành thú y cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi khẩn trương báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất diển biến của dịch bệnh nếu có xảy ra, tuyệt đối không được bán tháo gia súc, gia cầm ''chạy bệnh'' hoặc quăng xác gia súc, gia cầm chết ra kênh rạch.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê, nắm lại chính xác số lượng đàn vịt chạy đồng hiện có trên địa bàn để kiểm tra dịch bệnh, nếu chưa tiêm ngừa đúng quy định, kiên quyết trục xuất ra khỏi địa bàn và không được tiếp nhận thêm vịt chạy đồng từ các tỉnh đến, đồng thời tăng cường khâu kiểm tra giết mổ ở các lò giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại các địa phương; kiên quyết chấm dứt hoạt động của các lò giết mổ chui.

Tại Tiền Giang, cùng với việc ban hành Quyết định số 979/QĐ-UBND, công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu huyện Cai Lậy triển khai thực hiện ngay các biện pháp chống dịch bệnh như tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa bàn quản lý; tổ chức tiêm phòng văcxin bao vây ổ dịch, tuyên truyền cho người dân trong khu vực cảnh giác với dịch bệnh, không bán chạy, vứt xác gia cầm chết bừa bãi và triển khai tiêu độc sát trùng khu vực có gia cầm bệnh và các hộ chăn nuôi xung quanh.

Trước đó, ngành thú y địa phương đã tiến hành tiêu hủy 500 con gà và 200 con vịt của hai hộ chăn nuôi ở ấp 2, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virút H5N1. Tiền Giang là một trong những địa phương có số lượng đàn gia cầm lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng đàn hơn 6 triệu con./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục