Dịch bệnh phức tạp, lo ngại nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối Năm

Theo Sở Công Thương Hà Nội, vào thời điểm này, nguồn cung thịt lợn vẫn đảm bảo, tuy nhiên nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý.
Dịch bệnh phức tạp, lo ngại nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối Năm ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Xuân Quảng/Vietnam+)

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến nguồn cung thịt lợn trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Giá thịt lợn có xu hướng nhích lên

Theo báo cáo của Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi đã phủ kín nhiều quận, huyện và gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Ước tính trong vòng nửa tháng gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 con lợn phải tiêu hủy.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, những ngày gần đây, giá lợn hơi trên cả nước diễn biến thất thường.

Cụ thể, giá lợn hơi tại một số tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Nội sau một thời gian giảm giá đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg. Tuy vậy, tại một số địa phương ở miền Trung, giá lợn hơi lại có xu hướng đi xuống.

[Kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán thịt lợn chưa kiểm dịch]

Trước thực tế hiện nay, để bình ổn thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc thu mua thịt lợn và cấp đông là hết sức cần thiết.

Tuy vậy, ông cũng chỉ ra những tồn tại của việc này, vì khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết, mổ, chế biến của Việt Nam còn rất hạn chế.

Đáng chú ý, việc cấp đông thịt lợn trong thời gian dài, với khối lượng lớn, sẽ gặp khó khăn với nguồn lực, cơ sở hạ tầng cũng như là tài chính. Nhiều cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện cơ cở vật chất để thực hiện cấp đông.

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các vùng tại Đồng bằng Sông Hồng.

“Một thực tế nữa là nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cấp đông của người Việt Nam còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho doanh nghiệp liệu sản phẩm cấp đông sau này có bán được không,” ông Hải nêu thực tế.

Về phía doanh nghiệp, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cũng đồng tình với việc tổ chức cấp đông thịt lợn trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.

Tuy vậy, theo kiến nghị của ông Dũng, nhà nước cần xem xét các cơ chế chính sách trong việc bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, bởi để thực hiện giải pháp này chi phí không hề nhỏ.

Trong khi đó, ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai lo ngại việc tìm được kho cấp đông đạt tiêu chuẩn về cả diện tích cũng như nhiệt độ để trữ đông.

“Chúng ta thực  hiện cấp đông sẽ giảm rất nhiều chi phí so với việc tiêu hủy, bài toán kinh tế là rất rõ, nhưng cái khó nhất chính là tìm được kho cấp đông. Ngay cả các khu công nghiệp với diện tích lớn nhưng để đảm bảo được các tiêu chuẩn khác cho việc trữ đông thực phẩm thì thực sự khó,” ông Lộc quan ngại.

Lên phương án nhập khẩu

Mặc dù vào thời điểm này, nguồn cung thịt lợn vẫn đảm bảo, tuy nhiên nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ gặp khó khăn.

Chính vì vậy, việc tổ chức bình ổn giá những tháng cuối năm là nhiệm vụ được ngành công thương chú trọng thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá đột biến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là thịt lợn, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng Chương trình bình ổn giá 2019 trình Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.

Theo đó, lượng hàng bình ổn giá chiếm 35% nhu cầu thị trường trong một tháng; các tháng cận tết, nhóm hàng hóa huy động tăng cường như nước giải khát, bánh kẹo chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường.

Cũng theo bà Lan, ngành công thương Hà Nội thực hiện bình ổn giá 11 nhóm hàng gồm, lương thực 32.500 tấn/tháng; trứng gia cầm 43 triệu quả/tháng; đường 1.080 tấn/tháng; thực phẩm chế biến 1.800 tấn/tháng; dầu ăn 2,1 triệu lít/tháng; rau củ quả 36.100 tấn/tháng; thịt lợn 6.500 tấn/tháng; thủy hải sản 1.800 tấn/tháng; thịt gà 2.100 tấn/tháng; gia vị 540 tấn/tháng, sữa trẻ em 6,9 triệu lít/tháng.

“Riêng nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường Hà Nội ngoài nguồn hàng tại chỗ sẽ được khai thác thêm ở các tỉnh, thành cả nước và nhập khẩu từ Indonesia, Pháp,” bà Lan thông tin.

Ngoài ra, thực hiện việc xã hội hóa nguồn vốn cho chương trình, trong kế hoạch bình ổn giá 2019, các doanh nghiệp tham gia chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, hoặc được kết nối để vay vốn từ gói lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, qua đó đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa.

Đồng thời Sở Công Thương Hà Nội cũng mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" qua đó đẩy mạnh đưa hàng Việt bình ổn về các vùng ngoại thành, các khu công nghiệp.

“Việc ngành công thương Hà Nội xây dựng, thực hiện chương trình Bình ổn giá sẽ góp phần đảm bảo cung cầu lương thực, thực phẩm tươi sống những tháng cuối năm, ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý mặt hàng thịt lợn,” lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thông tin thêm.

Liên quan đến việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý hơn đến công tác bảo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc thu mua thịt lợn và thực hiện cấp đông.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề xuất có sự phối kết hợp giữa các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp để hỗ trợ cho người chăn nuôi cũng như tính đến cung cầu mặt hàng thực phẩm, trong đó có thịt lợn trong thời gian sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục