Dịch COVID-19: Nam Định thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch

Tính đến 14/2, các địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định rà soát, phân loại, lập danh sách hơn 7.670 trường hợp liên quan đến các ổ dịch; trong đó, trên 2.730 trường hợp trở về từ Hải Dương.
Dịch COVID-19: Nam Định thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch ảnh 1Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại ngã ba cầu Tân Đệ, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Xác định trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều người Nam Định đi làm việc, học tập, công tác từ các tỉnh, thành phố khác về quê đón Tết nên tiềm ẩn nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; tập trung kiểm soát các trường hợp có nguy cơ cao, phòng dịch nơi đông người.

Tính đến ngày 14/2, các địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đã rà soát, phân loại, lập danh sách hơn 7.670 trường hợp liên quan đến các ổ dịch; trong đó, trên 2.730 trường hợp trở về từ tỉnh Hải Dương, gần 1.200 trường hợp từ Quảng Ninh trở về địa phương từ ngày 15/1 đến nay; 138 trường hợp từng đến các địa điểm có nguy cơ cao theo thông báo của Bộ Y tế và trên 3.600 trường hợp trở về từ các địa điểm khác.

Ngành Y tế tỉnh Nam Định đã rà soát các trường hợp có nguy cơ cao với COVID-19. Hiện trên địa bàn có 39 trường hợp F1 đang được theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm; trong đó, 24 trường hợp có kết quả âm tính lần 1 và 15 mẫu có kết quả âm tính lần 2 với SARS-CoV-2; 365 trường hợp F2 đang thực hiện biện pháp cách ly tại nhà, tình trạng sức khỏe ổn định.

Xác định phải đảm bảo nhiệm vụ “kép” vừa phát triển, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh hoạt, đời sống của nhân dân, vừa phòng, chống dịch bệnh, các địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đã thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, nhất là tại các khu vực tập trung đông người như Chợ dân sinh, siêu thị, nhà máy, cơ sở sản xuất, đền, chùa...

Mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu, một số chợ dân sinh, cửa hàng tại Nam Định đã hoạt động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân. Tại khu vực đền Trần, chùa Tháp (thành phố Nam Định), khá đông khách thập phương về dâng hương đầu năm. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại.

[Nam Định: Du khách đeo khẩu trang khi đến đền Trần đầu năm mới]

Để phòng, chống dịch ở các địa điểm đồng người này, Ban Quản lý chợ, Ban Quản lý di tích, đền, chùa, lãnh đạo doanh nghiệp đã có thông báo đề nghị người dân, du khách, cán bộ, công nhân tuân thủ đúng các quy định phòng, chống dịch theo tinh thần 5K: Khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tập trung-khai báo y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Ông Đoàn Văn Dũng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định cho biết nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất với hơn 3.000 công nhân làm việc liên tục theo ca, Công ty đã quy định công nhân khi vào xưởng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định. Trường hợp dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, Công ty sẽ triển khai đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe công nhân trước khi vào làm việc.

Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần, chùa Tháp tỉnh Nam Định Nguyễn Đức Bình thông tin, Ban quản Khu lý di tích đã thành lập bộ phận y tế, cử cán bộ trực để kịp thời xử lý các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm bệnh; bố trí các điểm sát khuẩn tay, hướng dẫn người dân, du khách về dâng hương thực hiện đúng các quy định phòng dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đề cao kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không được thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Các địa phương, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, đoàn viên, hội viên hạn chế đến mức tối đa việc tập trung nhiều người tại lễ tang, tiệc mừng, đám cưới. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức làm việc trong dịp Tết, sinh hoạt tại chỗ...

Sở Y tế tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết về nhân lực, vật tư, sinh phẩm, công cụ, phương tiện... sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục