Dịch COVID-19: Nợ công của Pháp tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1949

Nợ công của Pháp tương đương 115,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi thâm hụt ngân sách tương đương 9,2% GDP của nước này, mức cao nhất kể từ năm 1949.
Dịch COVID-19: Nợ công của Pháp tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1949 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Paris, Pháp ngày 17/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Do tác động của đại dịch COVID-19 kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế, nợ công của Pháp năm 2020 đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ngày 26/3, Văn phòng Thống kê Insee cho biết năm ngoái, nợ công của Pháp tương đương 115,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm trong khi thâm hụt ngân sách tương đương 9,2% GDP của nước này, mức cao nhất kể từ năm 1949.

Năm 2019 - trước khi đại dịch bùng phát - nợ công của Pháp ở mức 97,6% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 3,1% GDP.

Trước đó, Chính phủ Pháp dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2020 tương đương 11,3% GDP và nợ công tương đương khoảng 120% GDP. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế Pháp năm 2020 đã giảm 8,2%.

Trong khi đó, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh công bố số liệu chính thức cho thấy ngành bán lẻ tại nước này đã phục hồi trong tháng 2 vừa qua nhờ nhu cầu đối với các mặt hàng gia dụng và đồ cải tạo sân vườn gia tăng.

[COVID-19 'tấn công' trực diện vào mô hình kinh tế của Pháp]

Trong một thông báo, ONS cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 2 tăng 2,1% so với tháng trước đó. ONS lưu ý ngành bán lẻ chỉ phục hồi một phần trong tháng 2 sau khi giảm 8,2% trong tháng 1 do tác động của đợt phong tỏa thứ ba được áp đặt tại Anh để ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Đáng chú ý, doanh số bán đồ gia dụng tăng 16,1% trong tháng 2, trong bối cảnh người tiêu dùng mua những sản phẩm để trang trí hoặc sửa sang nhà cửa trong thời gian giãn cách xã hội.

Người tiêu dùng cũng tích cực mua các sản phẩm cải tạo sân vườn để chuẩn bị trước cho giai đoạn nới lỏng các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ nói chung trong tháng 2 vẫn thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 1 vừa qua, Chính phủ Anh đã tái áp đặt biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều khu vực của nước này nhằm ngăn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan. Nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành bán lẻ mặt hàng không thiết yếu, đã buộc phải tạm dừng hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục