Ngày 24/2, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.
Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới của Vĩnh Phúc tiếp tục tăng mạnh ở mức trên dưới 2.000 ca mắc mỗi ngày. Đặc biệt, ngày 23/2, Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 21.771 ca F0 khi rà soát lại đầy đủ thông tin.
Hiện toàn tỉnh có hơn 50.300 ca F0, trong đó có hơn 46.000 ca F0 điều trị tại nhà/nơi cư trú, chiếm 91,5% tổng số ca mắc. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện điều trị F0 tại nhà/nơi cư trú...
Để bảo đảm an toàn cho việc điều trị tại nhà, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng và đưa phần mềm quản lý F0 tại nhà và các cơ sở điều trị tập trung từ ngày 23/2. Ngành Y tế tỉnh điều phối nhân lực từ tuyến tỉnh về tuyến huyện và từ tuyến huyện về xã, bảo đảm kịp thời đáp ứng công tác điều trị.
Tỉnh giao Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chủ động tổ chức, củng cố lực lượng, việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu được các biện pháp thích ứng trong tình hình mới. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong ngăn chặn, truy vết F0; huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch, hướng dẫn, theo dõi, cấp phát thuốc cho F0.
Tăng cường phối hợp với lực lượng y tế, tổ chức thực hiện việc tiêm vaccine hiệu quả cho dân; tạo mọi điều kiện cho ngành Y tế thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Chính quyền cấp xã phải cập nhật kịp thời tình hình, danh sách F0 và quản lý, theo dõi F0 tại nhà.
[Vĩnh Phúc siết chặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19]
Ngành y tế chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm của các Trạm Y tế lưu động và Trạm Y tế xã; bố trí lực lượng hỗ trợ cho tuyến dưới, lực lượng thực hiện kiểm tra, giám sát y tế tuyến dưới.
Thực hiện tiêm chủng và chịu trách nhiệm về số người chưa được tiêm nhưng không rõ lý do, các lực lượng thành lập, quản lý tốt các Trạm Y tế lưu động, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; phổ biến các kiến thức cơ bản để người dân hiểu rõ hơn trách nhiệm, có ý thức tự bảo vệ mình và người thân gia đình.
Thành viên các tổ sẽ được Sở Y tế phát và hướng dẫn các túi tài liệu điều trị tại nhà gồm: Thuốc theo quy định, đơn thuốc theo yêu cầu cụ thể về bệnh nền ổn định (nếu có); đơn thuốc hỗ trợ tăng cường đề kháng (nếu cần thiết); tờ rơi hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe, hướng dẫn gọi hỗ trợ khi có dấu hiệu bất thường...
Vĩnh Phúc yêu cầu ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp của tỉnh. Đây là một trong những nơi có nhiều công nhân, lao động ở các nhà xưởng với mật độ lao động dày, sản xuất diễn ra liên tục theo ca, kíp... dễ xảy ra dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng và phức tạp./.