Didier Drogba sẽ hủy hoại nền bóng đá Trung Quốc?

Drogba là thương vụ chuyển nhượng đình đám nhất song giới chuyên môn lại cho rằng điều này sẽ hủy hoại cả nền bóng đá Trung Quốc.
Tiền đạo nổi tiếng Didier Drogba sẽ chính thức có mặt tại Trung Quốc vào cuối tuần này để gia nhập đội bóng mới Thân Hoa Thượng Hải. Đây là thương vụ chuyển nhượng bóng đá đình đám nhất từ trước tới nay tại đất nước đông dân nhất thế giới, và trong khi các nhà quản lý bóng đá tin rằng sự có mặt của những ngôi sao nước ngoài sẽ nâng danh tiếng của C-League (giải vô địch Trung Quốc) thì giới chuyên môn lại cho rằng điều này sẽ hủy hoại cả nền bóng đá vốn chẳng mạnh mẽ gì cho cam. Drogba sẽ là cầu thủ danh tiếng nhất tại giải C-League, vốn đã có nhiều ngôi sao như Nicholas Anelka, Yakubu và huấn luyện viên vĩ đại người Italy Marcello Lippi. Hầu hết các vụ áp-phe gây chấn động trên đều được tài trợ bởi các doanh nghiệp siêu giàu của Trung Quốc. Sau thời gian cùng khoác áo Chelsea, Drogba sẽ lại tái ngộ cùng Anelka tại Thân Hoa Thượng Hải, và theo một số nguồn tin thì mức lương của họ lên tới hơn 15 triệu USD/năm, nhiều gấp đôi khoản tiền họ có thể nhận được nếu tiếp tục chơi bóng tại Anh. Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) tin rằng giải vô địch quốc gia nước này, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do những scandal cá độ và màn trình diễn tệ hại của đội tuyển trong nhiều năm qua, sẽ được nâng tầm với sự gia nhập của các tài năng bóng đá nước ngoài. Phát ngôn viên Dong Hua của CFA chia sẻ với AFP: “Những cầu thủ và huấn luyện viên đẳng cấp thế giới sẽ đem tới một cơ hội học hỏi tuyệt vời cho những người làm bóng đá ở đất nước chúng tôi. Tôi tin rằng các huấn luyện viên và cầu thủ trong nước có thể cải thiện khả năng nhờ đó và cùng nhau nâng tầm bóng đá Trung Quốc.” Tuy nhiên các chuyên gia phân tích bóng đá với kinh nghiệm lâu năm lại cho rằng những khoản tiền đầu tư khổng lồ đã được đặt không đúng chỗ, khi các ông chủ câu lạc bộ chỉ quan tâm tới danh tiếng cầu thủ mua về mà bỏ quên các thứ cơ bản như đào tạo trẻ hay cơ sở vật chất. Rowan Simons, một bình luận viên tại Bắc Kinh chia sẻ: “Trào lưu đầu tư những món tiền khổng lồ từ các ông chủ lớn thực sự điên rồ, không cân bằng và về lâu dài nhất định sẽ kết thúc trong thảm họa.” “Tầm vóc của các thương vụ như Drogba hay Anelka hoàn toàn không phù hợp với tầm vóc của nền bóng đá. Khi lương của một cá nhân gấp tới vài lần tổng doanh thu cả năm của một câu lạc bộ, tôi tin rằng chúng ta đang đi sai con đường.” Các chuyên gia còn cho rằng những thương vụ đình đám kể trên đôi khi còn để quảng bá cho những doanh nghiệp đầu tư vào đội bóng. Theo như báo chí Trung Quốc đưa tin thì một phần hợp đồng kí với Drogba có yêu cầu anh làm phát ngôn viên cho một hãng trò chơi trực tuyến của nước này.
Didier Drogba sẽ hủy hoại nền bóng đá Trung Quốc? ảnh 1
Drogba sẽ giúp nâng tầm bóng đá Trung Quốc? (Nguồn: The Sun)
Các tin đồn còn cho rằng Anelka đã được trả hàng triệu USD để quảng bá cho một trò chơi trực tyến do công ty The9 thực hiện. Chủ tịch The9 là ông Zhu Jun, cũng là nhà đầu tư chính vào Thân Hoa Thượng Hải. Câu lạc bộ Guangzhou Evergrande đang đứng đầu C-League, hiện thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Evergrande Real Estate Group, do nhà tài phiệt Xu Jiayin đứng đầu. Ông Xu được coi như một trong những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ước tính vào khoảng 7,2 tỷ USD và đã đầu tư khoảng 70 triệu USD vào câu lạc bộ Guangzhou Evergrande. Theo mạng Sohu, một phần trong số đó (12.66 triệu USD) được dùng để trả lương cho huấn luyện viên từng vô địch thế giới Lippi. Yan Qiang, bình luận viên của Titan Media nhận định: “Đó không phải đầu tư cho bóng đá và vì bóng đá, và chắc chắn sẽ không phải là một chiến lược lâu dài. Nhiều ông chủ đầu tư như thể làm quan hệ công chúng, trong khi những người còn lại thì ra sức để quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp của mình.” Một cựu ngôi sao của giải Ngoại hạng Anh là Marlon Harewood, từng giúp câu lạc bộ Guangzhou R&F lên chơi giải hạng Nhất Trung Quốc vào năm ngoái cũng cho rằng các ông chủ ở nước này đang đầu tư sai chỗ. “Họ cần phải đầu tư vào các tài năng quốc nội, bởi giữa những cầu thủ Trung Quốc và các cầu thủ đem về từ nước ngoài là cả một khoảng cách mênh mông,” anh chia sẻ với AFP. “Việc sở hữu một tiền đạo ngoại hạng và trông đợi anh ta ghi bàn trong mọi trận đấu thật là vô ích. Họ cần có cả một đội hình chất lượng đồng đều.” Lời khuyên của Harewood quả thực là cần được cân nhắc, bởi khả năng của các cầu thủ Trung Quốc còn rất hạn chế. Dù là đất nước đông dân nhất thế giới song đội tuyển nước này đã thi đấu rất tệ hại và đã bị loại ngay từ vòng sơ loại World Cup 2014, dù đã có cựu huấn luyện viên tuyển Tây Ban Nha Antonio Camacho trên băng ghế chỉ đạo với mức lương lên tới 8 triệu USD/năm. Trong lịch sử, Trung Quốc cũng chỉ có một lần lọt vào được vòng chung kết World Cup vào năm 2002 song đã thua cả ba trận vòng bảng và không ghi được nổi một bàn thắng./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục