Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc cho rằng pháp lý và thủ tục hành chính là vấn đề nổi cộm hàng đầu trong các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Các chuyên gia cùng thảo luận những khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện về Quản trị Pháp lý Doanh nghiệp 2023, sáng 21/7, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội nghị Quốc tế “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.”

Là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh và đổi ngoại của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang cho thấy được những bước phát triển ổn định, bền vững, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung trong nền kinh tế cả nước.

Trong các năm 2021 và 2022, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng hoạt động giao thương tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ổn định.

Từ đó, có thể thấy chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có những nỗ lực rất lớn, thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khẳng định vị thế là “huyết mạch giao thương" của khu vực phía Nam.

[Thủ tướng: Gỡ nút thắt, thúc đẩy các dự án cao tốc và vốn ODA ở ĐBSCL]

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết tính đến quý 2/2023, tỉnh Long An và thành phố Cần Thơ hiện đang là các địa phương dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư lớn. Bên cạnh Long An và Cần Thơ, các địa phương khác trên toàn vùng cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện quy trình cũng như chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng. Từ năm 2022 đến nay, các nhà đầu tư đã quan tâm thêm các tỉnh như: Bến Tre, Trà Vinh...

Theo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu, xứng đáng là điểm đến đầy hứa hẹn của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng đề cập đến các vấn đề còn tồn tại, điểm nghẽn lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nội vùng chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết, tình trạng không ổn định về hạ tầng; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài cơ sở hạ tầng, một vấn đề cố hữu khác của khu vực liên quan đến khung khổ pháp lý, quy trình thủ tục để nhà đầu tư an toàn hoạt động.

Theo khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2023, VCCI Cần Thơ xác định vấn đề lớn trong thu hút đầu tư là việc chồng chéo giữa các văn bản luật với nhau.

Ông Nguyễn Phương Lam nêu ví dụ: trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, doanh nghiệp gặp khó khăn giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Nhà đất. Nếu như Luật Đất đai yêu cầu cần phải có chủ trương đầu tư thì sẽ được duyệt và được quyền thay đổi quyền sử dụng đất, trong khi Luật Đầu tư thì doanh nghiệp phải có quyền khai thác đất quyền sử dụng đất thì mới được đầu tư. Như vậy, các dự án khi thực hiện không biết sử dụng theo luật nào.

Cho rằng pháp lý và thủ tục hành chính là vấn đề nổi cộm hàng đầu trong các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc đánh giá những dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo đang gặp trở ngại rất lớn về pháp lý, từ quy hoạch cho đến những vấn đề hành chính. Những bất cập trong thể chế chồng chéo mâu thuẫn, xung đột không được xử lý khiến cho doanh nghiệp gặp khó khi vận dụng.

Để tháo gỡ thách thức, khó khăn trong thu hút nhà đầu tư cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các thể chế; trong đó có các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư thương mại quốc tế.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng những năm gần đây, hệ thống pháp luật cũng như nhiều chính sách từ Chính phủ góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong khu vực. Tuy nhiên, sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, doanh nghiệp mong chờ sự thay đổi mạnh mẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Khi giao thương phát triển, doanh nghiệp trong khu vực sẽ làm việc với nhiều đối tác, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc các tranh chấp có nguy cơ phát sinh luôn tiềm tàng và có nguy cơ phát sinh bất cứ lúc nào với tính chất ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần có các phương án chủ động dự đoán và phòng ngừa rủi ro.

Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, VCCI Cần Thơ cùng Hiệp hội các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Nhận thấy sự quan trọng trong thực hiện hợp đồng ngoại thương của doanh nghiệp, Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới (Newsun Lawfirm), lưu ý các doanh nghiệp nên dành sự quan tâm ngay từ khi lựa chọn đối tác để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra như: ký kết với doanh nghiệp ảo, không địa chỉ đăng ký doanh nghiệp, không tồn tại địa điểm kinh doanh, không kinh doanh, không báo cáo tài chính, không nhân viên...

Cũng theo Luật sư Bùi Văn Thành, khi doanh nghiệp giao kết hợp đồng với các đối tác xuyên biên giới, doanh nghiệp khó lòng nắm bắt đầy đủ thông tin về độ tin cậy, tính xác thực của đối tác.

Chính vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu và tận dụng kinh nghiệm về tập quán và văn hóa kinh doanh cũng như tìm hiểu các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Trong quá trình soạn thảo hợp đồng, các điều khoản nội dung cần được quy định chặt chẽ.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cần để tâm tới điều khoản về giải quyết tranh chấp; trong đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng trọng tài vì tính hữu hiệu, nhanh chóng và bảo mật của phương thức này.

"Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp lý thể chế, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần nâng cao năng lực để có thể tự bảo vệ mình. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đang phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp xây dựng mạng lưới hỗ trợ pháp lý để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp," ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, cho biết.

Trước những vấn đề còn tồn tại, với mong muốn chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu, phát triển kinh tế vùng, tại hôi nghị, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cùng Hiệp hội các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.

Sự hợp tác giữa 3 đơn vị lúc này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp mà còn giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực, thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư chất lượng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)