Là vùng kinh tế rộng lớn với tổng diện tích 40.400km2, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, trong thời gian dài, hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm đang trở thành “điểm nghẽn” khiến các địa phương trong khu vực chưa phát huy hết những lợi thế cạnh tranh của vùng.
Nhiều tiềm năng nhưng còn điểm nghẽn
Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là với sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia đã khẳng định vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 54% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Hằng năm, Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng. Tuy nhiên, hiện nay 70% lượng hàng hóa này vẫn phải chuyển tải về các cảng lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến.
Phân tích về thế mạnh thu hút đầu tư của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng thế mạnh của đồng bằng này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện và vị trí tự nhiên. Diện tích đồng bằng rộng lớn, hệ thống sông rạch dày đặc với hai mặt giáp biển.
[Đề xuất hơn 7.100 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến Quốc lộ tại ĐBSCL]
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế rất nhiều ở các cụm ngành là: lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch hoặc cụm ngành công nghiệp năng lượng.
Đặc biệt, đây là vùng có nguồn nguyên liệu nông thủy sản “đầu vào” dồi dào, dưới góc độ thu hút đầu tư, là lợi thế rất lớn để phát triển hạ tầng công nghiệp.
Chưa kể, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực có môi trường kinh doanh khá thuận lợi, được cải thiện liên tục qua các năm. Điều này được thể hiện thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của vùng liên tục đứng đầu cả nước so với các vùng khác trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Lam, một trong những thách thức lớn hiện nay đối với Đồng bằng sông Cửu Long chính là kết cấu hạ tầng.
Chẳng hạn, cụm ngành logistics của vùng hiện nay đang đứng trước những khó khăn chính như còn hạn chế trong công nghệ đầu tư chuỗi lạnh, hạ tầng cảng biển và cảng sông quy mô còn nhỏ, chất lượng chưa cao.
Hạ tầng logistics còn thiếu kết nối, các nhà cung cấp dịch vụ logistics trọn gói còn ít. Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế khiến cho chi phí logistics còn cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiện nay 85% lượng hàng xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đều phải qua các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu; 15% còn lại đi bằng đường bộ ra các cửa khẩu khu vực miền Trung, phía Bắc.
Chính vì thế, dù tiềm năng cảng biển và dịch vụ logistics Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nhưng vẫn chưa được phát triển xứng tầm để đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chủ lực của vùng.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Vừa qua, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư.
Liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch đề cập, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.
Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Chẳng hạn, đối với phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 tại Đồng bằng sông Cửu Long, đường bộ cao tốc có tổng chiều dài là 1.166km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.
Đối với đường thủy nội địa, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy lợi thế của vùng, nâng cao thị phần vận tải container.
Phát triển 13 cụm cảng hàng hóa đảm bảo tổng công suất hàng hóa thông qua ước tính đạt trên 53 triệu tấn/năm; 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực thông qua ước tính đạt 31 triệu lượt hành khách/năm.
Còn hệ thống cảng biển, đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua từ 64-80 triệu tấn (hàng container từ 0,6-0,8 triệu TEU).
Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đóng vai trò phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cần thơ là trung tâm đầu mối phát triển logistics hàng không của vùng.
Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, vào cuối tháng Ba vừa qua, cây cầu Rạch Miểu 2 đã được khởi công.
Đây là cây cầu bắc qua sông Tiền, có quy mô 6 làn xe (gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), vận tốc thiết kế 80km/h, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên tuyến Quốc lộ 60.
Công trình, góp phần giảm tình trạng ách tắc, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các phương tiện lưu thông với khoảng cách giao thông đường bộ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ được rút ngắn.
Trong khi đó, liên quan đến chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, các tỉnh, thành trong vùng cũng đang đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, tỉnh đang tập trung thực thực hiện ba công trình giao thông trọng điểm gồm: công trình hoàn thiện đường vành đai thành phố Tân An, đường ĐT.827E và đường ĐT.830E.
Trong số đó, với công trình đường vành đai thành phố Tân An, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan quyết liệt hơn nữa trong giải phóng mặt bằng, giải phóng mặt bằng đến đâu, thi công xây dựng đến đó. Đồng thời, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đầu tư phần cầu, đường còn lại để tổ chức lựa chọn nhà thầu ngay trong năm 2022.
Trong giai đoạn 2020-2025, cùng với ba công trình giao thông trọng điểm trên, tỉnh Long An cũng thực hiện chương trình đột phá huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông với danh mục 8 công trình, góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội./.