Đào ruộng tìm...vàng

"Điểm nóng" đào đãi vàng trái phép tại tỉnh Bắc Kạn

Tình trạng đào vàng trái phép tại "điểm nóng" Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn khiến người dân mất ruộng nương và ngày càng nghèo hơn.
Huyện Ngân Sơn là một trong những nơi có trữ lượng vàng lớn nhất tại Bắc Kạn. Lẽ ra, đây phải là lợi thế để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng, nhưng thực tế đáng buồn là vàng ở Ngân Sơn làm cho người nghèo ngày càng nghèo hơn...

Đào ruộng tìm vàng


Nếu như trước đây, vàng tặc ở huyện Ngân Sơn chủ yếu tập trung khai thác tại những thôn, bản vùng sâu, vùng xa như các thôn Pác Đa, Nà Sánh, Nà Kịt (xã Thượng Quan); Nà Cháo (xã Cốc Đán) thì nay vàng tặc không ngần ngại khai thác trái phép ngay trên những thửa ruộng dọc các tuyến đường quốc lộ.

Hiện Ngân Sơn vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ mất bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp do việc khai thác vàng trái phép nhưng dọc những con đường liên xã, liên thôn, giữa những mảnh ruộng nhỏ bé là hàng chục, hàng trăm hố đào lớn nhỏ. Ban ngày máy xúc, giàn tuyển (dùng để đãi vàng), máy bơm được che phủ bằng bạt dưới các hố sâu, ban đêm mới dựng lên để đào đãi.

Không chỉ đất ruộng bị tàn phá, người dân còn đào cả kè chống lũ để tìm vàng. Kè chống lũ thôn Nà Hy, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn giờ đây nham nhở, lỗ chỗ hố to hố nhỏ.

Bao đời nay, người dân ở đây vẫn sống nhờ vào đồng ruộng và nương rẫy, song từ khi có nạn khai thác vàng, một số người dân đã bỏ ruộng, bỏ nương đi làm vàng.

Dọc con suối quanh khu vực thôn Ma Nòn, xã Thượng Quan có tới 6 máy xúc và hàng chục lao động miệt mài đào bới. Hàng chục người dân (chủ yếu là phụ nữ) vác thuổng, xẻng xúc đất đi đào vàng. Đất lẫn với sỏi đá được người dưới hố đào lên cho vào bao tải rồi chuyển lên trên mang về nơi có sông suối để đãi vàng.

Địa điểm đào vàng chỉ cách nhà trưởng thôn có 50m. Chính ông Bàng Văn Chi, trưởng thôn Ma Nòn và người nhà cũng khai thác vàng trên mảnh đất của gia đình.

Ông Chi thú nhận: “Phía bên này là của nhà mình, phía khu vực rộng hơn đang bị khai thác là của người dân nơi khác đến. Mình không làm thì người khác cũng làm mà...”

Trước tình trạng đào bới vàng trái phép gia tăng, ông Đinh Quang Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngân Sơn cho biết huyện đã yêu cầu các xã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của huyện, tiến hành kiểm tra quyết liệt để xử lý, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản vàng trái phép.

Tuy nhiên, ông Hiếu thừa nhận lực lượng tham gia trực tiếp ngăn chặn việc đào vàng trái phép rất thiếu và mỏng. Thậm chí công an viên, dân quân tự vệ tại các thôn cũng đi đào khoáng sản trái phép.

Hơn nữa, thời gian gần đây các tổ, đội khai thác vàng trái phép thường tiến hành vào ban đêm nên không dễ để giải quyết.

Sôi động đốt đuốc đào vàng

Nếu ban ngày, người dân đi mót trộm từng bao đất ở những hố sâu do các bưởng vàng để lại, thì ban đêm, hoạt động đào vàng quy mô lớn, có tổ chức, có đầu tư, có ăn chia, ca kíp... mới thực sự diễn ra.

Để tận mắt nhìn thấy tình trạng khai thác vàng trái phép vào ban đêm, chúng tôi đã phục kích nhiều ngày liền trên các tuyến đường qua các xã Hương Nê, Thuần Mang, Cốc Đán, Thượng Ân... Không dễ để tiếp cận với vàng tặc ở Ngân Sơn bởi luôn luôn có người canh gác đánh động. Mỗi khi có một chiếc xe ôtô hoặc người lạ đi qua có ý định “nhìn ngó,” lập tức đèn từ máy xúc, máy ủi tắt phụt, công nhân đào vàng tản ra nhà người dân xung quanh. Người có trách nhiệm canh gác thì cầm đèn pin ra tận nơi tìm hiểu xem người lạ là ai, dừng lại làm gì...

Một lần may mắn tìm được người dẫn đường quen biết chủ bưởng vàng, chúng tôi được chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh khai thác vàng ban đêm tại một bưởng vàng ở xã Thuần Mang.

12 giờ đêm là thời điểm sôi động nhất của nạn khai thác vàng trái phép ở nơi đây. Máy ủi, máy xúc, máy bơm... ban ngày được che bằng vải bạt, giấu kín dưới các hố sâu thì nay “rũ bùn đứng dậy.” Trong đêm tối, ánh sáng phát ra từ bóng đèn công suất lớn trên chiếc máy xúc đảo qua đảo lại theo những nhịp quay của nó, soi sáng cho hoạt động bên dưới và cả những con đường xung quanh để cảnh giới.

Chủ bưởng vàng Đinh Thiệu Hoanh cho biết khu vực đất ruộng đang khai thác vàng thuê lại của người dân nơi đây, đào được vàng thì ăn chia với nhau theo thỏa thuận. Để đầu tư vào bưởng vàng này, Hoanh đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng đầu tư mua máy xúc, hàng trăm triệu đồng cho các máy móc khác và chi phí cho 20 phu đào vàng.

Trước thực trạng đào đãi vàng trái phép diễn biến phức tạp, thời gian vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp tổ chức nhiều đợt giải tỏa, truy quét. Ủy ban Nhân dân các huyện Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm tổ chức lực lượng liên ngành, tiến hành hàng chục cuộc giải tỏa, truy quét nạn khai thác vàng trái phép.

Đầu năm 2011, lực lượng chức năng ở hai huyện Ngân Sơn và Pác Nặm đã ra quân truy quét, tịch thu và tiêu hủy 44 máy nổ, sên hút nước, 8 giàn tuyển vàng, 3 máy phát điện, đốt hàng chục lán trại.

Tháng 5/2011, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường đã ký các quyết định xử phạt, tịch thu 12 máy xúc khai thác vàng trái phép, mỗi máy trị giá từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, đồng thời phạt hành chính chủ máy từ 70-80 triệu đồng/máy, hầu hết tại huyện Ngân Sơn.

Gần đây nhất, tháng 8/2011, Ủy ban Nhân dân huyện Ngân Sơn đã tiếp hành kiểm tra, xử lý 1 vụ khai thác vàng trái phép tại xã Hương Nê, tạm giữ 2 máy xúc và một số phương tiện máy móc khai thác./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục