Điểm thi biến động lớn, thí sinh khó “liệu cơm gắp mắm”

“Em cũng nghĩ điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái, nhưng chỉ dự kiến sẽ vênh lên khoảng hai điểm, không ngờ là điểm đã tăng đến cả 5 điểm, nên em phải rút hồ sơ,” thí sinh Trần Thị My chia sẻ.
Điểm thi biến động lớn, thí sinh khó “liệu cơm gắp mắm” ảnh 1Thí sinh xếp hàng xin rút hồ sơ tại Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 14/8. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm nay cao hơn hẳn so với điểm thi đại học năm ngoái, khiến điểm chuẩn của các trường vì thế cũng tăng lên. Trong khi đó, điểm điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển đầu vào của các trường không cao. Điều này cộng với việc thí sinh có thể đăng ký bốn nguyện vọng cùng lúc khiến cho điểm chuẩn dự kiến càng thêm khó lường.

Điểm xét tuyển khó lường

So với năm 2014, điểm chuẩn dự kiến của hầu hết các trường đại học ở thời điểm này đều tăng lên vài điểm. Ở những trường nhóm trên, điểm chuẩn vênh tới 5, 6 điểm.

Mặc dù có tính đến tình huống này do mặt bằng điểm năm nay cao hơn, nhưng các thí sinh cho biết chỉ dự kiến điểm chuẩn sẽ lên khoảng 2 điểm. 

“Năm ngoái, điểm chuẩn ngành Công nghệ 3 [gồm Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ thực phẩm –PV] của Đại học Bách khoa điểm chuẩn chỉ 18 điểm. Năm nay em thi được 22 điểm nên cũng khá tự tin đăng ký, nhưng không ngờ điểm năm nay quá cao, điểm chuẩn ngành này hiện đã là 23 điểm, nên em phải rút hồ sơ,” thí sinh Trần Thị My, ở Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ.

“Em cũng nghĩ điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái, nhưng chỉ dự kiến sẽ vênh lên khoảng hai điểm, không ngờ là điểm đã tăng đến cả 5 điểm,” My chia sẻ.

Cũng theo My, từ sau khi nộp hồ sơ, lúc nào em cũng kè kè điện thoại để kiểm tra xem vị trí của mình ở thứ bao nhiêu. Có ngày vị trí của em tăng lên, nhưng có ngày lại giảm đi khiến My rất nhiều lần định rút rồi lại băn khoăn do dự.

“Ngành Công nghệ 3, hôm trước em đang ở số thứ tự 110 trên chỉ tiêu dự kiến là 180, nhưng hôm sau đã tụt xuống tận vị trí 226, ngày hôm sau xuống tiếp số 237, sau đó lại lên vị trí 220, hôm sau nữa lại xuống 230,” My kể.

Sốt ruột với sự trồi sụt, cuối cùng My vẫn quyết định rút hồ sơ để tìm cơ hội khác.

Theo My, những biến động trong điểm số cũng như hình thức xét tuyển bốn nguyện vọng cùng lúc đã khiến cho việc cân, đo, đong, đếm của thí sinh khó khăn hơn. “Em cũng đã cố ‘liệu cơm gắp mắm’ nhưng không chuẩn, vẫn phải vất vả đi rút hồ sơ,” My chia sẻ.

Điểm thi biến động lớn, thí sinh khó “liệu cơm gắp mắm” ảnh 2Thí sinh mệt mỏi gục xuống bàn tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông sáng nay, 17/8. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Không chỉ riêng My, rất nhiều thí sinh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Chị Vũ Thị Hạnh (Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) cho biết, con chị được 22 điểm, đăng ký vào ngành Công nghệ May của Đại học Bách khoa. 

Theo chị Hạnh, trước khi nộp hồ sơ, con chị cũng đã tìm hiểu thông tin về trường và ngành khá kỹ. 

“Mọi năm, Công nghệ may là một trong những ngành thấp điểm nhất của trường. Điểm chuẩn năm 2014 của ngành này là 18 điểm nên năm nay cháu quyết định chọn ngành này. Tưởng là dư đến 4 điểm, không ngờ điểm chuẩn giờ đã lên 23 điểm. Hai mẹ con lại phải khăn gói lên Hà Nội rút hồ sơ,” chị Hạnh cho biết.

Găm điểm chờ cuối đợt

Trước tình hình điểm thi nhiều biến động, không ít thí sinh đã găm điểm đến tận những ngày gần cuối mới nộp hồ sơ, nhất là với những thí sinh có mức điểm không cao.

Mặc dù các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1/8, nhưng tại điểm thi Đại học Thủy lợi sáng nay, 17/8, có khá đông thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển lần đầu.

Em Nguyễn Thu Huyền, quê Tuyên Quang, cho biết, em thi được 20,75 điểm. Xác định sẽ học ngành kế toán, Huyền đã lọc qua khá nhiều các trường có đào tạo ngành này như Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Lao động Xã hội, Đại học Công nghiệp Hà Nội… và cuối cùng chọn Đại học Thủy lợi vì mức điểm an toàn.

“Năm ngoái, ngành Kế toán của Đại học Thủy lợi chỉ 15 điểm. Em nghĩ cơ hội đỗ sẽ cao hơn,” Huyền chia sẻ.

Cũng theo Huyền, do nhà xa nên em phải cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ, tránh trường hợp phải đi rút hồ sơ. Thấy các bạn đi nộp em cũng sốt ruột, nhưng nộp chậm lại có lợi thế hơn khi có thể nhìn thấy tình hình điểm xét tuyển của các trường một cách rõ ràng hơn, tránh rủi ro nộp vào phải rút ra.

Giống như Huyền, thí sinh Lê Xuân Hiếu, quê Hải Dương, cũng mới nộp hồ sơ xét tuyển đầu tiên của mình sáng nay. Hiếu cho biết, em đam mê công nghệ thông tin nhưng với mức điểm 19,5 điểm, em phải nâng lên đặt xuống rất nhiều trường.

“Em đã tìm hiểu điểm thi của tất cả các trường đào tạo ngành này như Đại học Bách khoa, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhưng điểm khá cao. Em chọn Đại học Thủy lợi vì với mức điểm này, em có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích,” Hiếu chia sẻ.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh sẽ được quyền rút và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đến hết ngày 20/8. Điểm trúng tuyển nguyện vọng một sẽ được công bố trước ngày 25/8./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục