Tại cuộc đối thoại thường niên lớn nhất giữa Chính phủ và doanh nghiệp diễn ra ngày 3/12 ở Hà Nội, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ khi ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cho rằng cần mạnh tay cải cách doanh nghiệp Nhà nước hơn nữa để môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, vấn để xử lý nợ xấu như thế nào để có hiệu quả nhanh nhất cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận.
Môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn
Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), ông Christopher Twomey đánh giá cao nỗ lực bình ổn của Chính phủ. "Những năm qua, thành công của Việt Nam trong thu hút FDI dựa chủ yếu trên kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định. Tuy nhiên, Chính phủ cần có cải cách cấp thiết, tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, cần tích cực hơn nữa trong việc chống tham nhũng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực", ông Christopher Twomey cho biết.
Còn ông Alain Cany, đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam nhận xét: "Chính phủ đã nỗ lực cải thiện vĩ mô. Mặc dù GDP đã giảm sút nhưng đã có một môi trường có thể tin tưởng hơn."
Đồng quan điểm, ông Susumu Sato đại diện cho Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thể hiện Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Susumu Sato cũng đưa ra quan ngại hệ thống quy trình thủ tục không rõ ràng; chi phí lao động tăng vẫn là những khó khăn hiện tại đối với các nhà đầu tư Nhật. Đặc biệt, các công ty Nhật đang rất quan ngại về mức lương tối thiểu mới từ năm 2013.
Từ phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 2 năm qua, số doanh nghiệp phá sản bằng một nửa trong 2 thập kỷ. Tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh chỉ đạt 33% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 47% của năm 2011 và bằng một nửa so với tỷ lệ 70% của các năm trước đó.
Trước tình thế này, ông Lộc đề nghị ưu tiên hàng đầu là cải cách thể chế, cụ thể là cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh, minh bạch như những doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, ông Lộc cũng mạnh dạn đề nghị Chính phủ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất. Theo ông, nên ấn định tốc độ tăng lương tối thiểu 15% một năm.
Bên cạnh đó, ông Trần Anh Vương thay mặt cho Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HBA) cho rằng doanh nghiệp đang cần một niềm tin và niềm tin chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách. Khi đã minh bạch và nhất quán thì doanh nghiệp sẽ có định hướng rõ ràng và bền vững.
Tham dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải như lạm phát có thể quay trở lại, quản lý giá, vấn đề hàng tồn kho, tiếp cận tín dụng còn hạn chế. Mặc dù vậy, đại diện Chính phủ Việt Nam cho rằng đây chính là thời điểm rất cần sự đồng hành và nỗ lực của các doanh nghiệp. "Đây là thời điểm thử thách nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp năng động, dám nghĩ, dám làm. Chính phủ luôn kề vai sát cánh, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị các bộ ngành nghiêm túc tiếp thu những đề xuất chính đáng của doanh nghiệp," Phó thủ tướng khẳng định.
Nợ xấu là tâm điểm
Tại Diễn đàn lần này, vấn đề nợ xấu và hướng xử lý nợ xấu được các đại biểu quan tâm và dành nhiều thời gian để phân tích và hiến kế các giải pháp cho thị trường này.
Ông Brett Krause, Tổng Giám đốc CitiBank Việt Nam, đại diện nhóm Ngân hàng cho rằng, Chính phủ cần đưa ra khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu hiện nay.
“Chúng tôi đề xuất cần phải có Công ty quản lý và xử lý nợ. Giải pháp này trước hết cần chuyển tài sản nợ xấu từ các ngân hàng sang Công ty quản lý tài sản. Họ có trách nhiệm xử lý và cơ cấu nợ gốc để có thể giải quyết theo thời gian. Tài sản có thể được xử lý trong nội bộ, tái cơ cấu hoặc bán cho bên thứ ba,” ông Brett Krause hiến kế.
Theo ông Brett Krause, thời gian của Công ty quản lý tài sản thường từ 5 đến 7 năm, nếu ngắn hơn thì khó cho thanh khoản, còn nếu kéo dài thì nợ xấu sẽ chậm được xử lý và nợ xấu càng ngày càng phình to ra. “Cần phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu,” ông Brett Krause nhấn mạnh.
Còn ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam lại cho rằng cần tái cấp vốn cho các ngân hàng: Một là tái cấp vốn cho ngân hàng tốt, có chiến lược mạnh quản lý chuyên nghiệp và nợ xấu thấp cần được tái cấp vốn từ cổ đông. Hai là ngân hàng không mạnh, không có tương lai phát triển không còn lượng vốn nào thì cần sáp nhập ngân hàng mạnh hơn hoặc đóng cửa.
Giải đáp các vấn đề liên quan, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn, nguy cơ lạm phát cao, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện một số giải pháp như đánh giá các khoản nợ xấu của ngân hàng, tạo điều kiện cho ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Song song với đó, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã hoàn thành đề án thành lập công ty mua bán nợ, hiện đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về khoảng 3%, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Đặc biệt, trong vấn đề sở hữu chéo, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình cho biết, Luật tổ chức tín dụng 2010 không cho các tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần lẫn nhau, không cho công ty con mua cổ phần ngân hàng đó. Nhưng do yếu tố lịch sử, hiện tượng này vẫn còn.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tăng cường thanh tra, giám sát các đối tượng sở hữu chéo, xác minh tài chính của các cổ đông khi tham gia sở hữu vốn tổ chức tín dụng; cùng với Ủy ban chứng khoán giám sát giao dịch cổ phiếu ngân hàng thương mại.
"Trong những tháng cuối năm 2012 và năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều hành tăng trưởng tín dụng và cung tiền phù hợp với diễn biến lạm phát, đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả việc tái cấu trúc ngân hàng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu," Phó Thống đốc nói./.
Bên cạnh đó, vấn để xử lý nợ xấu như thế nào để có hiệu quả nhanh nhất cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận.
Môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn
Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), ông Christopher Twomey đánh giá cao nỗ lực bình ổn của Chính phủ. "Những năm qua, thành công của Việt Nam trong thu hút FDI dựa chủ yếu trên kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định. Tuy nhiên, Chính phủ cần có cải cách cấp thiết, tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, cần tích cực hơn nữa trong việc chống tham nhũng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực", ông Christopher Twomey cho biết.
Còn ông Alain Cany, đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam nhận xét: "Chính phủ đã nỗ lực cải thiện vĩ mô. Mặc dù GDP đã giảm sút nhưng đã có một môi trường có thể tin tưởng hơn."
Đồng quan điểm, ông Susumu Sato đại diện cho Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thể hiện Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Susumu Sato cũng đưa ra quan ngại hệ thống quy trình thủ tục không rõ ràng; chi phí lao động tăng vẫn là những khó khăn hiện tại đối với các nhà đầu tư Nhật. Đặc biệt, các công ty Nhật đang rất quan ngại về mức lương tối thiểu mới từ năm 2013.
Từ phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 2 năm qua, số doanh nghiệp phá sản bằng một nửa trong 2 thập kỷ. Tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh chỉ đạt 33% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 47% của năm 2011 và bằng một nửa so với tỷ lệ 70% của các năm trước đó.
Trước tình thế này, ông Lộc đề nghị ưu tiên hàng đầu là cải cách thể chế, cụ thể là cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh, minh bạch như những doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, ông Lộc cũng mạnh dạn đề nghị Chính phủ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất. Theo ông, nên ấn định tốc độ tăng lương tối thiểu 15% một năm.
Bên cạnh đó, ông Trần Anh Vương thay mặt cho Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HBA) cho rằng doanh nghiệp đang cần một niềm tin và niềm tin chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách. Khi đã minh bạch và nhất quán thì doanh nghiệp sẽ có định hướng rõ ràng và bền vững.
Tham dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải như lạm phát có thể quay trở lại, quản lý giá, vấn đề hàng tồn kho, tiếp cận tín dụng còn hạn chế. Mặc dù vậy, đại diện Chính phủ Việt Nam cho rằng đây chính là thời điểm rất cần sự đồng hành và nỗ lực của các doanh nghiệp. "Đây là thời điểm thử thách nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp năng động, dám nghĩ, dám làm. Chính phủ luôn kề vai sát cánh, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị các bộ ngành nghiêm túc tiếp thu những đề xuất chính đáng của doanh nghiệp," Phó thủ tướng khẳng định.
Nợ xấu là tâm điểm
Tại Diễn đàn lần này, vấn đề nợ xấu và hướng xử lý nợ xấu được các đại biểu quan tâm và dành nhiều thời gian để phân tích và hiến kế các giải pháp cho thị trường này.
Ông Brett Krause, Tổng Giám đốc CitiBank Việt Nam, đại diện nhóm Ngân hàng cho rằng, Chính phủ cần đưa ra khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu hiện nay.
“Chúng tôi đề xuất cần phải có Công ty quản lý và xử lý nợ. Giải pháp này trước hết cần chuyển tài sản nợ xấu từ các ngân hàng sang Công ty quản lý tài sản. Họ có trách nhiệm xử lý và cơ cấu nợ gốc để có thể giải quyết theo thời gian. Tài sản có thể được xử lý trong nội bộ, tái cơ cấu hoặc bán cho bên thứ ba,” ông Brett Krause hiến kế.
Theo ông Brett Krause, thời gian của Công ty quản lý tài sản thường từ 5 đến 7 năm, nếu ngắn hơn thì khó cho thanh khoản, còn nếu kéo dài thì nợ xấu sẽ chậm được xử lý và nợ xấu càng ngày càng phình to ra. “Cần phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu,” ông Brett Krause nhấn mạnh.
Còn ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam lại cho rằng cần tái cấp vốn cho các ngân hàng: Một là tái cấp vốn cho ngân hàng tốt, có chiến lược mạnh quản lý chuyên nghiệp và nợ xấu thấp cần được tái cấp vốn từ cổ đông. Hai là ngân hàng không mạnh, không có tương lai phát triển không còn lượng vốn nào thì cần sáp nhập ngân hàng mạnh hơn hoặc đóng cửa.
Giải đáp các vấn đề liên quan, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn, nguy cơ lạm phát cao, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện một số giải pháp như đánh giá các khoản nợ xấu của ngân hàng, tạo điều kiện cho ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Song song với đó, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã hoàn thành đề án thành lập công ty mua bán nợ, hiện đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về khoảng 3%, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Đặc biệt, trong vấn đề sở hữu chéo, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình cho biết, Luật tổ chức tín dụng 2010 không cho các tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần lẫn nhau, không cho công ty con mua cổ phần ngân hàng đó. Nhưng do yếu tố lịch sử, hiện tượng này vẫn còn.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tăng cường thanh tra, giám sát các đối tượng sở hữu chéo, xác minh tài chính của các cổ đông khi tham gia sở hữu vốn tổ chức tín dụng; cùng với Ủy ban chứng khoán giám sát giao dịch cổ phiếu ngân hàng thương mại.
"Trong những tháng cuối năm 2012 và năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều hành tăng trưởng tín dụng và cung tiền phù hợp với diễn biến lạm phát, đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả việc tái cấu trúc ngân hàng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu," Phó Thống đốc nói./.
Minh Thúy (Vietnam+)