Diễn đàn Hòa bình Jeju nêu bật những thách thức an ninh khu vực và toàn cầu

Các cuộc thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn tập trung vào những thách thức an ninh chính, từ các bất ổn địa chính trị và biến đổi khí hậu cho tới các chuỗi cung ứng.

Quang cảnh lễ khai mạc Diễn đàn Jeju lần thứ 9. (Nguồn: Yonhap)
Quang cảnh lễ khai mạc Diễn đàn Jeju lần thứ 9. (Nguồn: Yonhap)

Theo hãng tin Yonhap, ngày 29/5, Diễn đàn Jeju vì Hòa bình và Thịnh vượng lần thứ 9 đã khai mạc tại đảo Jeju của Hàn Quốc.

Các cuộc thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn tập trung vào những thách thức an ninh chính, từ các bất ổn địa chính trị và biến đổi khí hậu cho tới các chuỗi cung ứng.

Ban tổ chức cho biết với chủ đề "Cùng hành động vì một Thế giới tốt đẹp hơn," diễn đàn kéo dài 3 ngày dự kiến thu hút hơn 3.000 người từ 30 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế tham dự.

Các đại biểu gồm có nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại nổi tiếng, các cựu quan chức, quan chức chính phủ đương nhiệm và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp toàn cầu.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng với việc các cuộc xung đột tại Ukraine và Dải Gaza đặt ra nhiều thách thức mới tới môi trường an ninh toàn cầu.

Theo kế hoạch, trong phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo thế giới, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda và Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn sẽ cùng cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng như nhiều quan chức khác thảo luận về tình đoàn kết và hợp tác quốc tế khi đối mặt với các vấn đề an ninh phức tạp.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tham gia phiên khai mạc qua hình thức trực tuyến.

Trong khi đó, một "diễn đàn tương lai" về quan hệ song phương Hàn Quốc-Nhật Bản sẽ quy tụ các chuyên gia, sinh viên đại học Hàn Quốc và Nhật Bản cùng trao đổi về những nỗ lực nhằm thúc đẩy mối quan hệ tích cực trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng nồng ấm.

Diễn đàn cũng sẽ có phiên thảo luận về vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong chính sách đối ngoại nhằm giúp các bên liên quan mở rộng tầm nhìn ngoại giao khu vực, đồng thời mang lại sự hợp tác và phản hồi từ cộng đồng quốc tế hướng tới sự thịnh vượng bền vững và một kỷ nguyên trung hòa carbon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục