Diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, DN, các tổ chức quốc tế đã thảo luận về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, biến đổi khí hậu; chuyển đổi số, thủy sản công nghệ cao.
Diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 30/10, tại Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn quốc tế “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long: Khoa học và Công nghệ - Động lực cho đổi mới và phát triển bền vững."

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

Trên 20 bài báo cáo tại diễn đàn đã tập trung thảo luận 5 lĩnh vực chính: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao; kinh tế biển-kinh tế tuần hoàn; môi trường-tài nguyên thiên nhiên-biến đổi khí hậu; chuyển đổi số.

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những hoạt động theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, chính sách, giải pháp cho chính phủ, các cơ quan ban ngành; đồng thời thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Bàn về vai trò cũng như những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện, các ý kiến tại diễn đàn đều khẳng định đây là vùng có nhiều lợi thế cũng như cơ hội để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên môi trường, xâm nhập mặn, chất lượng nguồn nhân lực… là những rào cản cho phát triển.

Diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm, kịp thời của Đảng và Nhà nước là cơ sở đặc biệt quan trọng cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết Số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt, cơ chế đối thoại hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học… đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm hướng tới phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 287 về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đã xác định mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường.

Nội hàm của Quyết định 287 chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy "con người" làm trung tâm. Đồng thời, đặt ra một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tăng cường, khuyến khích thu hút sự tham gia của cộng đồng, tổ chức nghiên cứu, tạo để thực hiện thành công mục tiêu trong Quy hoạch đã đặt ra.

[Khánh thành 2 phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất khu vực ĐBSCL]

Bên cạnh đó, cần chú trọng nhóm giải pháp về cơ chế chính sách như đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối liên vùng; cải cách hành chính đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất; hoàn thiện các văn bản quy phạm phát luật, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh.

Chính sách về tăng cường liên kết nguồn lực cũng cần được thực thi nhất quán. Mặt khác, cơ chế liên kết nguồn lực của từng địa phương cần được phát huy song song với cơ chế chia sẻ nguồn lực và lợi ích giữa các địa phương; xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp sẽ giúp các mục tiêu phát triển vùng được hài hòa với các mục tiêu phát triển của mỗi địa phương và mỗi thành phần trong cộng đồng.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng cần có các nhóm giải pháp tăng cường cơ chế phối hợp và chia sẻ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ của các nước, doanh nghiệp quốc tế tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long.

Các bộ, ban ngành có kế hoạch đầu tư nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo nghề trong vùng, hỗ trợ phát triển để Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục thực hiện vai trò dẫn dắt và kết nối hợp tác cho phát triển vùng.

Diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3Trường Đại học Cần Thơ ký kết hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng cần tăng cường các hoạt động hợp tác, xây dựng cơ chế đối thoại, tiến tới hình thành Hiệp hội các nhà lãnh đạo đại học vì một tương lai Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.

Chính sách về nguồn lực đất đai cũng là vấn đề cần được đặt vào vị trí trọng tâm. Để nguồn lực đất đai trở thành động lực phát triển vùng, giá trị nguồn lực này cần được xác định theo tinh thần của nghị quyết số 13-NQ/TW.

Vì vậy, mỗi tỉnh thành và địa phương cần đề xuất cơ chế nhất quán và rõ ràng để khơi thông giá trị đất đai, biến đất đai trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế vùng. Đặc biệt, cần phát huy nguồn lực biển và ven biển, góp phần đẩy mạnh kinh tế biến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên gia Hồ Thị Hà (Trường Đại học Cần Thơ) dẫn báo cáo năm 2019 cho thấy toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 9,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, chỉ có 5,2% nhân lực có trình độ đại học.

Đây là tỷ lệ còn khá thấp. Do đó, cần có các nhóm giải pháp về nguồn nhân lực bao gồm: xây dựng các chính sách tạo lập động cơ học tập, mở rộng cơ hội việc làm; phát triển thị trường lao động chất lượng cao.

Song song đó, cần tạo hệ sinh thái sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài; xây dựng nền kinh tế tri thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tự chủ đại học; thiết lập mạng lưới các trường đại học.

Cùng quan điểm trên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng các trường đại học cần nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học, xác định các chương trình đào tạo trọng điểm; cần chú trọng công tác phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo; xây dựng mô hình liên kết đào tạo, tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 4Các đơn vị triển lãm, trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Các đơn vị đào tạo cần có các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Từ đó, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Để chủ động trong lộ trình chuyển đổi số ở hầu khắp các lĩnh vực, trong đó chú trọng nông nghiệp và thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo chuyên gia Vũ Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về sản xuất nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao để thống nhất trong chỉ đạo và hành động.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp thủy sản công nghệ cao ở Đồng bằng sông Cửu Long để làm căn cứ để xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ xanh, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp-thủy sản. Đồng thời, chuyển đổi số phải gắn liền với chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tiếp cận và xác lập thị trường cho các thành phần doanh nghiệp trong nền kinh tế…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục