Điện hạt nhân - Giải pháp chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điện hạt nhân quốc tế thì cộng tất cả các chi phí trực tiếp và gián tiếp, công nghệ điện hạt nhân hiện đại vẫn đạt hiệu quả kinh tế.
Điện hạt nhân - Giải pháp chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng ảnh 1Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 25/11/2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41 khởi động tiến trình xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam.

Trong sáu năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, khẩn trương và quyết tâm thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Để làm rõ thêm việc đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả của dự án, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Võ Văn Thuận, chuyên gia về năng lượng hạt nhân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (1998-2006), nguyên thành viên Tổ công tác Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình và lập Dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (2002-2009). Ông đã hoạt động liên tục hơn 40 năm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

- Phát triển điện hạt nhân của Việt Nam liệu đã phải là “bước đi” thận trọng, an toàn, xin ông đánh giá về điều này?

Tiến sỹ Võ Văn Thuận: Để hiểu các “bước đi” phát triển điện hạt nhân của Việt Nam có thận trọng hay không thì phải nhớ lại rằng cách đây hơn 40 năm, khi đó Việt Nam được phía Liên Xô gợi ý lựa chọn xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, hay xây một công trình thủy điện có công suất tương đương bằng sự tài trợ toàn diện của nước bạn. Nhưng chúng ta đã chọn xây dựng thủy điện Hòa Bình và sau đó cũng đề nghị Liên Xô giúp khôi phục lò Đà Lạt để nghiên cứu và chuẩn bị lâu dài về năng lượng nguyên tử. Như vậy, Việt Nam đã quyết định khởi đầu việc này từ việc tiếp thu kiến thức hạt nhân, từ đào tạo nhân lực, trước khi đưa ra quyết định có hay không có điện hạt nhân.

Giai đoạn chuẩn bị bước đầu kéo dài khoảng 10 năm từ năm 1976 khi thành lập Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia đến 1985 sau khi khôi phục lò Đà Lạt. Tiếp theo từ năm 1986-1996, cố giáo sư Nguyễn Đinh Tứ, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, đã kiên trì, thận trọng, nhưng cũng rất quyết tâm chỉ đạo các nghiên cứu chuẩn bị chương trình điện hạt nhân, trong đó dựa vào sự ủng hộ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vào sự hợp tác song phương với Liên Xô, Ấn Độ để đào tạo nhân lực, nghiên cứu dự báo nhu cầu năng lượng quốc gia trong trung hạn và dài hạn, nghiên cứu tính toán về kỹ thuật, công nghệ nhà máy điện hạt nhân, thăm dò khai thác nội địa các khoáng sản uran và các kim loại hiếm phục vụ cho chương trình điện hạt nhân.

Có thể nói, giáo sư Nguyễn Đinh Tứ là người sáng lập và lãnh đạo toàn diện chương trình đưa điện hạt nhân vào Việt Nam. Trước khi qua đời năm 1996, ông đã chủ trì nghiệm thu Đề tài cấp nhà nước KC-09-17 do giáo sư Cao Chi làm chủ nhiệm với kết luận: Sau năm 2015, Việt Nam sẽ đến thời điểm khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn, trong khi nguồn khai thác dầu mỏ, khí đốt cũng chạm đến giới hạn, than nội địa vẫn còn nhưng không đủ đáp ứng tăng trưởng. Như vậy, muốn phát triển tiếp thì cùng với việc nhập khẩu than, Việt Nam phải xây nhà máy điện hạt nhân như một thành tố năng lượng mới trong một hệ thống cân đối hài hòa với các nguồn năng lượng truyền thống là nhiệt điện than, điện khí, thủy điện.

Đến nay tròn 20 năm sau ngày ông mất, thực tế diễn ra về tình hình phát triển điện năng quốc gia rất đúng với dự báo năm đó đã chứng minh tính nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và cho thấy sự thận trọng nhưng đầy quyết tâm trong chiến lược phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

Chỉ sau khi có những kết quả kiểm chứng độc lập cho dự báo trên, đến năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho khởi động lập Chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử Việt Nam và nghiên cứu dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Trong những năm này, các nhà khoa học, công nghệ, kinh tế đã hợp tác trong một chương trình nghiên cứu “làm rõ bảy điểm” đánh giá về khả năng công nghệ, an toàn, tính kinh tế của điện hạt nhân đối với Việt Nam, hoạch định lộ trình phát triển năng lượng hạt nhân đến năm 2020 và có tầm nhìn đến năm 2030.

Căn cứ vào báo cáo đầu tư và dự án tiền khả thi của Chính phủ, ngày 25/11/2009 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41 khởi động tiến trình xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam. Trong sáu năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, khẩn trương và quyết tâm thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Đặc biệt, sau vụ tai nạn hạt nhân Fukushima, Chính phủ đã rất cẩn trọng trong các bước khảo sát địa điểm, thẩm định dự án khả thi, trong đó nhấn mạnh điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn hạt nhân. Mỗi loại công nghệ lớn đều có mặt phải và mặt trái của nó, tuy nhiên chúng ta đã từng đưa ra quyết sách xây dựng nhiệt điện than, điện khí, thủy điện, khai thác dầu khí... sau một thời gian cân nhắc tương đối cẩn thận, nhưng không quá lâu.

Ai chưa rõ lịch sử, có thể nghĩ là chúng ta đã quá vội vã, quá nông nổi khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Phải thừa nhận, chưa có công nghệ nào phức tạp và nhiều thách thức như điện hạt nhân, nhưng tôi cũng khẳng định cuộc cân nhắc lần này đã phải kéo dài nhất, tới hơn 30 năm tính đến khi có Nghị quyết 41 của Quốc hội.

Chưa có quyết định phát triển công nghệ nào lại phải thận trọng cân đong như vậy. Tôi nghĩ rằng cũng cần phải cân nhắc thận trọng trước khi quyết định việc lớn, việc hệ trọng. Nhưng khi đã quyết rồi, thì lại phải đồng lòng để biến dự định thành hiện thực. Tất nhiên, quá trình thực hiện phải nghiêm chỉnh, phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Nhưng do dự, bàn lùi cũng rất tai hại, nhất là đối với những quyết sách lớn quan trọng của Đất nước.

- Ông đánh giá như thế nào về mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân cũng như khi xảy ra sự cố?

Tiến sỹ Võ Văn Thuận: Tôi có nhiều năm làm trực tiếp với hạt neutron trong lò phản ứng hạt nhân, biết khá rõ vấn đề an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, về tác động cả tốt và xấu của phóng xạ lên cơ thể sống. Vì vậy tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm và hiểu biết của tôi về vấn đề liên quan đến an toàn điện hạt nhân.

Trước hết tôi khẳng định nhà máy điện hạt nhân không thể tạo ra một vụ nổ hạt nhân như bom nguyên tử, vì nhiên liệu trong lò hạt nhân chỉ có độ giàu dưới 5% đủ sử dụng neutron chậm được điều tiết tự động rất thông minh để phát năng lượng. Trong khi đó, thiết kế cơ cấu bom nguyên tử cần có tỷ lệ nhiên liệu làm giàu trên 90% để có thể kích nổ tức thời bằng neutron nhanh.

Các vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng trên thế giới như Chernobyl (Liên Xô), Fukushima (Nhật Bản) là do nóng chảy nhiên liệu, dẫn tới phản ứng hóa học gây nổ áp lực hơi nước và khí hydro, không phải là vụ nổ hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn rất đáng ngại là sự cháy nổ hóa học có thể gây rò rỉ phát tán phóng xạ ra môi trường.

Lò Chernobyl không có thùng thép chịu áp lực nên các chất phóng xạ bị vụ nổ phát tán rộng vào khí quyển gây những hậu quả về sức khỏe không thể phủ nhận và vẫn phải tiếp tục giải quyết, khắc phục.

Đối với sự cố ở Fukushima thì do nổ hydro nhưng nhờ có thùng lò chịu áp lực nên nhiên liệu vẫn giữ được trong lò, chỉ có một lượng khí và ion phóng xạ rò rỉ theo khí và nước ra bên ngoài, nhưng lượng này nhỏ hơn hẳn so với ở Chernobyl.

Hiện nay trừ vài điểm ô nhiễm đặc biệt, mức phóng xạ không khí quanh Fukushima ở bán kính vòng ngoài nhà máy cũng chỉ nằm trong mức phóng xạ tự nhiên mà con người vẫn hấp thụ hàng ngày (lưu ý rằng chúng ta luôn “được” nhận một liều phóng xạ hợp lý có trong tự nhiên với ý nghĩa tốt cho sức khỏe, nếu thiếu nó thì cũng có hậu quả xấu, tương tự như các bé sơ sinh bị “cớm nắng” sẽ thiếu vitamin D).

Đối với vụ nóng chảy tâm lò ở Three-Mile-Island (Mỹ) thì vỏ thép thùng lò đủ khả năng giữ phóng xạ bên trong, nên hầu như không phát tán ô nhiễm ra môi trường. Các lò hiện đại như công nghệ AES-2006 của Nga mà Việt Nam đã lựa chọn cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được coi là công nghệ hiện đại và an toàn nhất hiện nay, có thể đảm bảo giữ nhiên liệu trong thùng lò hoặc thu gom trong bình chứa chuyên dụng dưới đáy lò, không cho rò rỉ ra môi trường.

Hậu quả tai nạn hạt nhân Chernobyl là rất nghiêm trọng xét về nhiều mặt. Trong đó tổn thất về người liên quan đến phóng xạ không thể coi nhẹ dù có thể nói số người thật sự bị chết trực tiếp do phóng xạ không lớn, nếu so sánh với các tai nạn trong công nghiệp điện than và khai thác hầm lò, người chết và tàn phế do hút thuốc lá, chết vì tai nạn giao thông. Con số hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người đã và có thể sẽ chết do phóng xạ ở Chernobyl gây tăng tỷ lệ ung thư đột biến trong 10-20 năm tới theo một số dư luận chỉ là những suy luận không có căn cứ khoa học.

Thực tế ở Chernobyl theo dõi thống kê y tế cho thấy số trẻ sinh ra sau này bị bệnh tuyến giáp tăng khoảng 2 lần so với mức trung bình trước khi có vụ tai nạn, còn tăng tỷ lệ quái thai thì chưa thấy có con số thống kê nào khác biệt.

Có khoảng 600.000 nhân viên và binh sỹ đã lần lượt tham gia xử lý hậu quả Chernobyl và vì vậy họ bị liều chiếu cao đến sát mức ngưỡng cho phép, nhưng theo dõi chặt chẽ suốt 20 năm cho đến nay vẫn không thấy có sự tăng trội tỷ lệ mắc ung thư. Còn ở Fukushima không có ai bị chết trực tiếp do tai nạn phóng xạ, chỉ sau bốn năm có một nhân viên chết ung thư, nhưng khó có thể coi đó là tỷ lệ khác biệt so với mức thông thường. Người dân trong vùng quanh nhà máy chỉ bị liều chiếu xạ thấp hơn nhiều so với các nhân viên làm việc trong nhà máy.

Tóm lại, tai nạn hạt nhân có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng với công nghệ hiện đại, có độ tự động cao, chúng ta có khả năng giảm thiểu các lỗi sai phạm của con người. Ngoài ra, việc chấp hành các nguyên tắc an toàn về lựa chọn địa điểm, về khả năng bảo đảm an ninh, về quy tắc quản lý vận hành nghiêm ngặt sẽ giúp cho ngành điện hạt nhân có độ an toàn rất cao, nếu so với các công nghệ khác.

Chất thải phóng xạ nhà máy điện hạt nhân sau một giai đoạn làm nguội được cô đặc và đưa vào quản lý nghiêm ngặt trong chế độ kho bảo quản dài hạn không thể coi là bom nổ chậm. Hơn nữa, nếu nhiên liệu hạt nhân sau khi đã sử dụng được xử lý, chiết tách thì còn có nhiều chất quý hơn vàng được thu hồi, lượng chất thải độc hại còn lại chỉ không bằng 10% lúc trước.

Hiện nay Pháp là nước đi tiên phong thương mại hóa tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng. Nga cũng có nhiều năng lực công nghệ và Nhật Bản dự tính sẽ đưa một hệ thống nhà máy tái chế hiện đại vào hoạt động sau khi họ khôi phục vận hành lại các lò điện hạt nhân.

Các nước cũng đang nghiên cứu thử khả năng bắn chùm laser hạt nhân (tức là chùm bức xạ mạnh đơn sắc từ máy gia tốc) để phá vỡ các chất thải phóng xạ độc hại vốn tồn tại hàng vạn năm để chỉ còn vòng đời sống ngắn, như vậy thì có thể quản lý và tiêu hủy, không để lại hậu họa cho thế hệ sau.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của nhà máy điện hạt nhân trong an ninh năng lượng?


Tiến sỹ Võ Văn Thuận:
Việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân với công nghệ hiện đại, độ an toàn cao sẽ làm tăng vốn đầu tư. Trên thực tế, những con số dự báo gia tăng giá thành trong các dự án mới như dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đều đã bao gồm chi phí ước tính sau này như phí tháo dỡ nhà máy, phí quản lý hoặc chôn chất thải phóng xạ...

Mặt khác các nhà máy hiện đại sẽ có tuổi đời tăng lên đến 60 năm so với 30-40 năm trước đây. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điện hạt nhân quốc tế thì cộng tất cả các chi phí trực tiếp và gián tiếp, công nghệ điện hạt nhân hiện đại vẫn đạt hiệu quả kinh tế.

Nếu xét về vấn đề biến đổi khí hậu thì điện hạt nhân gần như là nguồn lớn nhất và vận hành ổn định nhất mà không phát thải khí nhà kính.

Trung Quốc và Ấn Độ có tham vọng trong 15-20 năm nữa sẽ vượt lên hàng đầu thế giới về tổng số nhà máy điện hạt nhân họ định xây dựng. Trong khi Đức tuyên bố sẽ dừng điện hạt nhân, thực ra họ vẫn đang vận hành phần lớn các nhà máy cho đến khi hết tuổi thọ sau năm 2020 và trớ trêu thay là họ vẫn mua điện hạt nhân của Pháp và các nước láng giềng mới đủ điện dùng.

Giá điện của Pháp hiện rẻ nhất châu Âu, chỉ bằng nửa giá điện của Đan Mạch là nước triệt để dùng điện tái tạo, đó là vì ở Pháp chủ yếu là điện hạt nhân (gần 80%), mà các nhà máy của họ thì cũng đã cơ bản khấu hao xong.

Ở Nhật Bản, sau tai nạn Fukushima, các quy định an toàn hạt nhân nâng lên rất ngặt nghèo, nhiều nhà máy cũ sẽ khó đạt đủ các tiêu chí đó, nhưng năm 2015 đã có một lò điện hạt nhân được vận hành và hai lò khác đã đủ tiêu chuẩn sắp tái khởi động. Tổng số lò có khả năng nâng cấp và vận hành trở lại trong tương lai có thể lên đến khoảng 20 tổ máy, nguyên nhân cũng là vì ở Nhật Bản điện hạt nhân vẫn có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn điện khí, điện than hoặc năng lượng tái tạo.

Các nước như Mỹ, Nga, Anh đang tiếp tục xây các nhà máy điện hạt nhân mới, vì ngoài vấn đề chống biến đổi khí hậu, họ hoàn toàn tự tin điện hạt nhân mang lại hiệu quả kinh tế.

Đối với Việt Nam, điện hạt nhân được tính đến như một thành phần quan trọng nhưng không phải là duy nhất, chưa phải chiếm tỷ phần lớn như ở Pháp. Điện than sạch, điện khí, thủy điện và điện hạt nhân sẽ phối hợp chạy nền ổn định và chạy đỉnh.

Bên cạnh đó chắc chắn phải coi tiết kiệm điện là quốc sách, đồng thời quan tâm và coi trọng năng lượng tái tạo. Thật ra những việc này đã được tính đến từ nhiều năm nay.

Nhằm mục tiêu tiết kiệm, trong Quy hoạch phát triển điện năng quốc gia (Quy hoạch 7) có cả một kế hoạch nâng cấp lưới điện quốc gia để giảm hao tổn đường dây truyền tải.

Việc “công nghiệp hóa” với định hướng “hiện đại hóa” là để thay thế những công nghệ cũ lạc hậu tiêu tốn năng lượng và tiến tới một nền công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, quá trình “tiết kiệm điện” đòi hỏi những gói đầu tư “khủng” để mua công nghệ và cũng cần nhiều thời gian để tái đào tạo nhân lực, không thể chỉ nhờ giáo dục ý thức con người.

Bên cạnh tiết kiệm còn có yếu tố sống còn là phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng phải có công nghệ sạch, an toàn cho môi trường và con người.

Xét khía cạnh này thì Việt Nam phải cố gắng phát huy tiềm năng của một nước được kỳ vọng nhiều gió, nhiều nắng cũng như các năng lượng tái tạo khác. Vì vậy, trong dự thảo Quy hoạch bảy điều chỉnh sắp công bố đã đặt mục tiêu phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng gió, thủy điện nhỏ và một phần năng lượng mặt trời, nhưng dù sao chúng cũng phải dựa vào chính sách đặc thù trợ giá trong giai đoạn đầu.

Tuy vậy, điểm yếu của năng lượng tái tạo là công suất phát điện manh mún, không ổn định vì phụ thuộc vào thiên nhiên, cho nên việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và hướng tới làm chủ công nghệ vẫn là một giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Tôi chắc không thể đáp ứng đầy đủ thông tin những vấn đề liên quan, nhưng tôi hy vọng sắp tới các nhà quản lý ở Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng, Chủ đầu tư dự án là EVN cũng như các chuyên gia ở Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ còn cho chúng ta biết thêm những tiến bộ mới trong quá trình thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.


- Trân trọng cảm ơn tiến sỹ!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục