Diện mạo mới của ngành thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu

Hai thập niên qua, thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,78%/năm, là 1 trong 3 tỉnh đi đầu cả nước về thủy sản.
Trong hai thập niên vừa qua, ngành thủy sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt 7,78%/năm, liên tục là một trong ba tỉnh đi đầu cả nước về lĩnh vực khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Tại Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ tư năm 2012 với chủ đề: “Tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường các đảo, quần đảo Việt Nam,” tổ chức ngày 7/6, tại thành phố Vũng Tàu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Minh Sanh khẳng định rằng để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng về biển đảo, định hướng phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020, Đảng bộ tỉnh chủ trương kế thừa tất cả những tiềm lực sẵn có, phát huy nội lực, cũng như sự hỗ trợ giúp đỡ của các nước về vốn, khoa học và kỹ thuật, trình độ quản lý… để phát triển, tạo nên diện mạo mới cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

Tận dụng lợi thế

Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài bờ biển lên tới 305,4km, trong đó bờ biển phần đất liền 100km và một huyện đảo, với trên 100.000km2 thềm lục địa, diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh khoảng 297.000km2. Đặc biệt, nằm trong ngư trường được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa, ít khi xảy ra gió bão mạnh nên rất thuận lợi cho hoạt động khai thác gần bờ và xa bờ, nhất là khai thác gần bờ có thời gian hoạt động hàng năm từ 200-250 ngày; đối với tàu thuyền lớn đánh bắt xa bờ có thể hoạt động từ 300-310 ngày.

Vì vậy, ngay từ những năm đầu thành lập lại tỉnh (tháng 8/1991), Đảng bộ Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nên trong 21 năm qua, tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng được ba cảng cá kiên cố, ba cụm cảng bán kiên cố và sáu cảng cá phân bố rải rác ở các huyện, thị xã. Đồng thời, hình thành tổng chiều dài cầu cảng là 1.575m, với tổng năng lực hàng hóa thông qua các cảng cá 360.000 tấn/năm.

Ông Lê Tấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết xác định là địa bàn có tiềm năng và thế mạnh trong khai thác thủy hải sản, trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ. Chính vì vậy, kỹ thuật khai thác được nâng cao, tàu thuyền phần lớn được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, phương thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Nhiều mô hình đánh bắt theo tổ đội, tàu đoàn đã được hình thành, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu những hình thức đánh bắt gây suy kiệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng được chuyển dần từ hình thức nuôi quảng canh sang nhiều hình thức nuôi như quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Với 7.852ha diện tích mặt nước, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm của tỉnh đạt gần 19.000 tấn, chủ yếu tập trung tại các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Tân Thành và thị xã Bà Rịa. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số vùng nuôi cá và các loại thủy sản khác phục vụ cho xuất khẩu với những sản phẩm nổi tiếng như ngọc trai, ốc hương và cá mú tại Côn Đảo. Còn vùng nuôi cá nước ngọt tập trung tại thị xã Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Về lĩnh vực chế biến và xuất khẩu hải sản, hiện toàn tỉnh có 169 doanh nghiệp chế biến hải sản; trong đó có 42/54 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm), với tổng công suất 250.000 tấn thành phẩm/năm; trong số này có 28 nhà máy được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hầu hết các nhà máy còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Riêng năm 2011, sản lượng khai thác hải sản đạt 250.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 20.500 tấn.

Tiêu biểu như Công ty trách nhiệm hữu hạn Nuôi trồng thủy sản Minh Phú-Lộc An thuộc Tập đoàn Minh Phú. Đầu năm 2011, ngay sau khi trúng thầu dự án Khu nuôi tôm công nghiệp Lộc An, huyện Đất Đỏ với giá hơn 63 tỷ đồng, Công ty đã đầu tư thêm 150 tỷ đồng để cải tạo 250ha ao nuôi và xây dựng các công trình phụ trợ. Cuối tháng 8/2011, Công ty bắt đầu thả giống tôm thẻ đầu tiên với mật độ 100 con/m2 trên 24ha ao nuôi. Nhờ quy hoạch và đầu tư đầy đủ nguồn điện, hệ thống cấp thoát nước, chủ động được việc quản lý và chăm sóc, khống chế và xử lý linh động mọi tình huống về độ pH, độ mặn. Riêng khâu tuyển chọn giống, thức ăn và chế biến tôm của Công ty nằm trong quy trình sản xuất tuần hoàn khép kín.

Nhờ đó chỉ sau 75 ngày nuôi tôm đã có trọng lượng 60 con/kg, năng suất 9 tấn/ha. Đợt thu hoạch đầu tiên đã đạt 170 tấn tôm thành phẩm trị giá 18 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận còn lại hơn 7 tỷ đồng. Sau khi thu hoạch, tôm sẽ được chuyển trực tiếp đến nhà máy Chế biến Thủy sản Minh Phú-Hậu Giang để chế biến xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và một số nước EU.

Khai thác tối đa tiềm năng

Với mục tiêu phát triển ngành thủy sản để góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện hơn nữa cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định từ nay đến năm 2015 sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển bền vững và có chiều sâu lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đó là khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới và nâng cấp tàu khai thác xa bờ, trang thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc đóng mới tàu cá, không phát triển tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m, công suất dưới 90CV, giảm dần số tàu nhỏ đánh bắt gần bờ.

Đến năm 2015, phấn đấu tổng số tàu cá ổn định trên địa bàn ở mức 6.000 chiếc/750.000CV, trong đó có trên 50% số tàu đánh bắt xa bờ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân hợp tác với các doanh nghiệ và cá nhân trong khu vực phát triển nghề đánh bắt hải sản. Thông qua đó góp phần tăng cường sự hiện diện dân sự trên biển để gìn giữ an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tỉnh đang khẩn trương xúc tiến nhằm sớm hình thành khu chế biến hải sản tập trung vào năm 2015, để di dời toàn bộ các nhà máy nằm trong khu dân cư và trong các đô thị vào khu chế biến tập trung; tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản với công nghệ hiện đại trang thiết bị kỹ thuật và đổi mới công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 9.000; hạn chế không cấp phép đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến bột cá trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản và tăng cường các biện pháp quản lý nuôi theo quy hoạch; tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá, nghêu; đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất giống nhân tạo bảo đảm nhu cầu giống thủy sản ngày càng tăng cao về số lượng và chất lượng.

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển đảo, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu vật nuôi và đa dạng hóa loại hình nuôi, đối tượng nuôi trên cả ba vùng biển, lợ, ngọt. Nhất là tập trung vào nuôi trên biển các loài thủy sản tại Côn Đảo, theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước; đi đôi với việc chuyển giao khoa học và kỹ thuật, để người dân hình thành nên các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung an toàn, ổn định, bền vững trên cơ sở đảm bảo môi trường và cảnh quan đa dạng và độc đáo trên vùng biển tươi đẹp này./.

Văn Hào-Hoàng Nhị (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục