Diện tích cá tra thả nuôi đạt thấp do thiếu vốn

Theo Cục Nuôi trồng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian gần đây xuất khẩu cá tra đang có chiều hướng phục hồi. Tuy nhiên, tình hình thả nuôi cá tra trong dân vẫn trầm lắng, diện tích thả nuôi mới gia tăng không đáng kể.

Theo Cục Nuôi trồng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian gần đây xuất khẩu cá tra đang có chiều hướng phục hồi. Tuy nhiên, tình hình thả nuôi cá tra trong dân vẫn trầm lắng, diện tích thả nuôi mới gia tăng không đáng kể.
 
Hiện nay, diện tích thả nuôi cá tra mới chỉ đạt gần 1.000ha mặt nước, thấp hơn cùng kỳ năm trước 30% diện tích, gây khó khăn cho việc tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vào những tháng cuối năm.
 
Theo phản ánh của các hộ dân nuôi cá tra xuất khẩu, thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất với mức độ khác nhau, nhưng phần lớn người nuôi cá tra lại khó tiếp cận với nguồn vốn này.
 
Do những khó khăn về thị trường, nhiều hộ nuôi cá còn nợ ngân hàng nên các ngân hàng thương mại cũng chưa triển khai mạnh việc tiếp tục cho vay để khôi phục diện tích ao nuôi.
 
Để khắc phục tình trạng trên, Cục Nuôi trồng thủy sản đang đề nghị Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ cho người nuôi cá tra bị thua lỗ trong 2 năm qua; đồng thời giảm bớt thủ tục cho vay để các hộ nuôi cá có thể tiếp cận được nguồn vốn, tái sản xuất mang lại hiệu quả.
 
Từ đầu năm đến nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1.009ha nuôi cá tra, với sản lượng đạt 233.000 tấn. Do thời điểm này chưa đến mùa vụ thu hoạch nên sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch chủ yếu là từ các diện tích cũ năm ngoái.
 
Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều hộ nuôi cá chỉ bán được với giá 15.800 - 16.000 đồng/kg. Trong khi giá các loại thức ăn cho cá ở mức 7.500 - 8.000 đồng/kg, tăng thêm 200 - 500 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, chỉ những người nuôi cá đạt năng suất cao, chất lượng tốt mới có thể vượt qua ngưỡng thua lỗ./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục