Diện tích cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long tăng hơn 37 lần

Năm 2011, tổng diện tích cánh đồng lớn của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 7.800ha thì đến cuối năm 2014, con số này đã tăng lên 290.000ha.
Diện tích cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long tăng hơn 37 lần ảnh 1Một góc cánh đồng lớn vụ Hè Thu 2015 tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngày 27/5, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức hội nghị Cánh đồng lớn.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, đại diện các tỉnh, thành đều đánh giá cao và khẳng định hiệu quả của mô hình Cánh đồng lớn tại Việt Nam cũng như ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.

Các đại biểu cho rằng sản xuất nông nghiệp theo phương thức cánh đồng lớn nhằm liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp để chủ động cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân làm giảm chi phí, hạ giá thành nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, sau 5 năm triển khai, mô hình cánh đồng lớn đã và đang khẳng định được vai trò vị trí của một phương thức sản xuất tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Năm 2011, tổng diện tích cánh đồng lớn của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 7.800ha thì đến cuối năm 2014, con số này đã tăng lên 290.000ha. Mô hình này đã giúp tăng năng suất cao hơn sản xuất thông thường từ 15-20%. Mô hình cũng tạo nên sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp), làm tăng sản lượng nông sản, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp giúp sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, khó khăn trong thực tế triển khai cánh đồng lớn tại các địa phương hiện nay là vấn đề thị trường tiêu thụ, giá cả, công tác nghiên cứu và quản lý giống thuần, giống xác nhận, trình độ năng lực của cán bộ và người dân trong tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nông dân và cam kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong hợp đồng bao tiêu.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Phát triển nông thôn, điểm yếu "cốt tử" của nông sản Việt Nam là chất lượng các mặt hàng nông sản còn quá kém, việc kiểm soát chất lượng cũng như kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của các mặt hàng nông sản còn yếu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam tuy có số lượng lớn nhưng giá trị thấp, sản phẩm không có thương hiệu...

Chỉ có hình thức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn chúng ta mới chủ động kiến tạo các vùng nguyên liệu, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, chủ động khắc phục những điểm yếu của nông sản Việt Nam, cắt bỏ những chi phí bất hợp lý làm tăng giá thành sản xuất và giảm thu nhập của người nông dân.

Theo tiến sỹ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đối với các tỉnh Nam bộ, định hướng xây dựng mô hình cánh đồng lớn lớn là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu 1 triệu hécta và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần phải được thực hiện lộ trình ba bước gồm xây dựng mô hình cánh đồng lớn tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu; xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu (vùng nguyên liệu phải được đầu tư cơ sở hạ tầng và có quy mô tùy theo tình hình thực tế của việc ký kết, thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu, vùng nguyên liệu sản xuất theo đơn đặt hàng và theo kế hoạch xuất khẩu); xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục