Điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường

Tại cuộc trao đổi với các cơ quan chức năng, ngày 13/1, về “Đề án giá điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định mục tiêu lớn của tăng giá điện trong năm 2009 là từng bước điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, mọi người dân đều có thể chấp nhận được và tiến tới giảm bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất.

Tại cuộc trao đổi với các cơ quan chức năng, ngày 13/1, về “Đề án giá điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định mục tiêu lớn của tăng giá điện trong năm 2009 là từng bước điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, mọi người dân đều có thể chấp nhận được và tiến tới giảm bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, Việt Nam đang đứng trước thực tế là ngành điện luôn trong tình trạng "ăn đong" nên khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư vào phát triển nguồn điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Trong Tổng sơ đồ phát triển điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mỗi năm ngành điện sẽ đưa vào vận hành khoảng 4.000MW công suất điện mới, chủ yếu là nguồn điện than. Đây là nguồn điện có giá thành cao vì hiện các nhà máy BOT đang chào bán từ 7,2-7,5 cent/kWh trong khi giá trung bình EVN bán cho khách hàng là 5,2 cent/kWh, vì vậy nhiều nhà máy điện đến nay vẫn chưa đàm phán được Hợp đồng mua bán điện.

Bộ Công Thương cho biết sau 2 năm thực hiện biểu giá điện hiện hành áp dụng từ ngày 1/1/2007, do những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ nên việc tăng giá điện theo lộ trình từ 1/7/2008 đã được phê duyệt phải lùi lại.

Tuy nhiên, biểu giá điện hiện nay không phản ánh đúng và đủ chi phí đầu vào của ngành điện cũng như không đáp ứng được khả năng trả nợ và vay vốn đầu tư các công trình mới. Hiện nay, tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ trong tổng sản lượng điện sản xuất ngày càng giảm, tỷ trọng các nguồn điện giá cao tăng cao.

Cũng do giá điện chưa được điều chỉnh theo đúng lộ trình nên giá một số nhiên liệu cho sản xuất điện cũng chưa được tăng. Cụ thể như giá bán than cho sản xuất điện hiện chỉ bằng khoảng 50% giá thị trường, trong khi lượng than cho sản xuất điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng ngành than. Điều này ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của ngành than.

Bên cạnh đó, nếu với tốc độ tăng nhu cầu điện của nền kinh tế năm 2009 được tính bằng năm 2008 là 12,8% thì nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành điện dự kiến khoảng 45.000 đến 50.000 tỷ đồng, tính cả nguồn vốn của các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ còn cao hơn.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, một bất cập hiện nay là chính sách của Chính phủ hỗ trợ giá điện cho người nghèo nhưng không đến được người nghèo. Hiện nay, Chính phủ giữ giá bán buôn điện cho các tổ chức kinh doanh điện nông thôn ở mức 390 đồng/kWh và quy định giá trần ở mức 700 đồng/kWh là nhằm để bù giá cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tổ chức kinh doanh điện nông thôn mua buôn điện từ EVN để bán tới người dân với giá trần hoặc trên giá trần, có nơi lên đến trên 1.000 đồng/kWh, vì các tổ chức này quản lý kém, tổn thất điện năng cao (có nơi lên đến 30-40%), thêm nhiều chi phí bất hợp lý được đưa vào giá điện bắt người dùng điện phải gánh chịu.

Như vậy, chính sách bù giá của Chính phủ cho các hộ dân nông thôn đã không tới được người sử dụng điện cuối cùng mà rơi vào lợi nhuận của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Trong khi đó có ý kiến cho rằng ở khu vực thành phố, nhiều thuận lợi hơn khu vực nông thôn lại được hưởng giá bậc thang thấp, như thế là không công bằng giữa đô thị và nông thôn.

Ông Thắng kiến nghị để chính sách bù giá điện của Chính phủ đến được đúng đối tượng, giá điện bán lẻ bậc thang cần được áp dụng thống nhất trong toàn quốc, cả khu vực đô thị và nông thôn. Khi đó, giá bán buôn điện nông thôn cũng phải được điều chỉnh khi giá bán lẻ được điều chỉnh để đưa hoạt động kinh doanh bán lẻ điện nông thôn vào nề nếp, mang lại lợi ích cho người sử dụng điện.

Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN và các công ty điện lực hình thành hệ thống tài khoản chuyên dụng cho các thành phần chi phí để có thể thực hiện được cơ chế thực hiện bù chéo minh bạch và cơ chế hạch toán chi tiết. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến biểu giá điện mới sẽ áp dụng cuối quý 1, đầu quý 2 năm nay. Số tiền từ tăng giá điện sẽ được sử dụng toàn bộ cho tái đầu tư phát triển nguồn điện.

Cùng với chủ trương tăng giá điện của Nhà nước sẽ phải có đề án tái cơ cấu ngành điện để tạo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh. Quan điểm của Bộ Công Thương là sẽ tăng từ từ để đi dần vào thị trường điện. Tùy tình hình từng năm, giá điện cũng sẽ được điều chỉnh dần theo cơ chế thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục