Trang mạng washingtonpost.com đưa tin người dân Iraq, vốn đã chán ngấy với nạn tham nhũng và tốc độ phục hồi chậm chạp từ đống đổ nát do cuộc chiến với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để lại, đã đổ xuống đường biểu tình kể từ đầu tháng 10/2019.
Cũng giống ở Liban, những người biểu tình đã yêu cầu hủy bỏ hệ thống chính trị bè phái của đất nước - sản phẩm của Mỹ sau khi Washington lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Họ cũng muốn đẩy lùi sự kiểm soát của nước láng giềng Iran.
Không thể thống nhất một hướng đi phía trước, các quan chức hàng đầu đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp “thẳng tay” khiến Iraq phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nữa.
1. Điều gì đã thúc đẩy các cuộc biểu tình?
Các cuộc biểu tình chống nạn hối lộ, công việc khan hiếm, mất điện và thiếu nước bắt đầu từ ngày 1/10 tại thành phố Sadr, một khu vực rộng lớn và tương đối nghèo ở phía Đông thủ đô Baghdad.
Tuy nhiên, sau khi lực lượng an ninh đáp trả bằng súng đạn và hơi cay, các cuộc biểu tình đã lan rộng khắp miền Nam Iraq và trở nên vô cùng bạo lực.
[Quốc hội Iraq chấp thuận đơn từ chức của toàn bộ nội các]
Trong những cuộc biểu tình đầu tiên, những người biểu tình đã giương cao hình ảnh của Trung tướng Abdul-Wahab Al-Saadi, người đã trở thành anh hùng dân tộc vì vai trò quan trọng của ông trong việc đánh bại IS hồi năm 2017 nhưng sau đó lại bị giáng chức.
Khi lãnh đạo các chiến dịch giành lại các thị trấn và thành phố lớn từ các tay súng thánh chiến, ông Al-Saadi đã loại bỏ các dân quân Iran và phẫn nộ với các phe phái thân Tehran ở Baghdad. Những người Iraq theo chủ nghĩa dân tộc đã chứng kiến việc ông bị sa thải do Iran trả đũa.
Người biểu tình đã đốt các bức ảnh của các giáo sỹ Iran, hô to những khẩu hiệu chống Iran và đốt cháy các lãnh sự quán Iran ở Karbala và Najaf.
2. Người biểu tình đòi hỏi điều gì?
Nói tóm lại, người biểu tình cần một cuộc đại tu bộ máy chính quyền của đất nước. Người biểu tình muốn toàn bộ giới lãnh đạo chính trị từ chức, đại tu hệ thống tư pháp để đảm bảo trách nhiệm giải trình, và phá hủy hệ thống phe phái do Mỹ thiết lập.
Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi, người có mối liên hệ chặt chẽ với Tehran, đã xin từ chức nhưng chỉ khi các đảng chính trị “cứng đầu” thống nhất chọn ra một người kế nhiệm.
Mặc dù các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra ở các khu vực do người Hồi giáo theo dòng Shi’ite thống trị- những người chiếm đa số ở Iraq, song các nhà phân tích chính trị cho rằng đây không phải là một cuộc nổi dậy giáo phái.
Thay vào đó, đây là một phong trào cơ sở với những người biểu tình muốn vượt ra ngoài bản sắc dân tộc và tôn giáo. Cờ Iraq có mặt khắp nơi. Người biểu tình cũng đã sử dụng hình ảnh tôn vinh lịch sử Iraq và hát vang quốc ca.
3. Tại sao hệ thống giáo phái trở thành mục tiêu?
Dân số Iraq tăng khoảng 1 triệu người mỗi năm và khoảng nửa triệu người tham gia vào thị trường việc làm hàng năm không thể tìm được việc.
Người biểu tình đổ lỗi cho “hệ thống muhasasa” (hệ thống chia sẻ quyền lực giáo phái) được hình thành sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003, vốn phân chia quyền lực giữa các bên tuyên bố đại diện cho người Hồi giáo dòng Shi’ite, người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd, vì đã củng cố chủ nghĩa bè phái, lãng phí tài nguyên khan hiếm và cho phép nạn tham nhũng lộng hành.
Iraq từng xếp thứ 168/180 quốc gia trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng do tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện năm 2018.
Mỹ đã thiết lập “hệ thống muhasasa” với nỗ lực cung cấp sự ổn định sau khi lật đổ một chế độ vốn bị nhóm thiểu số theo dòng Sunni thống trị.
4. Tình trạng của nền kinh tế ra sao?
Sự thất bại của IS cũng như sự phục hồi một phần giá dầu và sản xuất dầu đã kéo theo sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ở Iraq- nhà sản xuất dầu lớn thứ năm thế giới.
Tuy nhiên, 25% người Iraq trẻ tuổi vẫn đang thất nghiệp. Có rất ít tiến bộ trong việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị tổn hại do xung đột, và khoảng 1,8 triệu người đang cần nhà ở.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí tái thiết ở 7 tỉnh bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến với IS đạt mức 90 tỷ USD trong 5 năm.
Tham nhũng là một trong những lý do chính khiến các dịch vụ công cộng không được chu cấp đầy đủ.
5. Chính quyền đã phản ứng thế nào với các cuộc biểu tình?
Thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình đã khiến các nhà cầm quyền ngạc nhiên. Họ đã cố gắng áp đặt lệnh giới nghiêm và ngắt kết nối Internet gần như toàn bộ đất nước để khôi phục trật tự. Tuy nhiên, điều đó chỉ khiến căng thẳng gia tăng.
Các báo cáo cho rằng việc các tay súng bắn tỉa thuộc lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn chịu trách nhiệm trong việc sát hại một số người, cũng như việc bắn đạn trực tiếp vào người biểu tình, sự biến mất của các nhà hoạt động và nhắm mục tiêu vào các y bác sỹ, càng làm tăng thêm sự tức giận trong dân chúng.
Iraq đã chứng kiến nhiều làn sóng phản đối kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, nhưng chưa có cuộc biểu tình nào lớn tới mức độ này.
6. Chính phủ hứa hẹn điều gì?
Sau những cố gắng khôi phục trật tự đều thất bại, Tổng thống Iraq Barham Salih- một người Kurd- đã kêu gọi đối thoại.
Ông hứa sẽ soạn thảo một luật bầu cử mới giúp làm giảm quyền lực của các phe phái chính trị và cho biết ông sẽ kêu gọi các cuộc bầu cử mới khi dự luật được thông qua.
Trước khi xin từ chức, Thủ tướng Abdul Mahdi - người chỉ mới nhậm chức hồi năm ngoái - đã công bố một kế hoạch 17 điểm để tạo việc làm, mức lương cho người thất nghiệp, các khoản vay không cần trả lãi cho những công dân thu nhập thấp và sa thải các quan chức tham nhũng.
Tuy nhiên, người dân không mấy tin tưởng vào khả năng thực hiện điều đó của ông.
7. Rủi ro đối với Iran là gì?
Iran coi các đồng minh của họ ở Iraq, Liban và Syria là chìa khóa để mở rộng ảnh hưởng và chống lại kẻ thù truyền kiếp là Mỹ, Israel và Saudi Arabia.
Các quan chức Iraq nói rằng Tehran rất lo ngại bởi tình cảm chống Iran ở Iraq gia tăng đến nỗi họ đã điều Qassem Suleimani, chỉ huy lực lượng quân sự hàng đầu của họ, đến Baghdad để thể hiện rằng họ ủng hộ những nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình, và đã gây áp lực để Thủ tướng Abdul-Mahdi không được từ chức./.