Điều kiện để 6 nước, vùng lãnh thổ Tây Balkan có tư cách thành viên EU

Albania, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia và Kosovo cần thực hiện cải cách và tạo ra thị trường chung của riêng họ để có thể thúc đẩy việc sớm trở thành thành viên của EU.
Điều kiện để 6 nước, vùng lãnh thổ Tây Balkan có tư cách thành viên EU ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi 6 quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan (gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia và Kosovo) thực hiện cải cách và tạo ra thị trường chung của riêng họ để có thể thúc đẩy việc sớm trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch von der Leyen đã đưa ra lời kêu gọi trên tại buổi họp báo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tiến trình Berlin diễn ra ở thủ đô Tirana của Albania, sáng kiến của Đức nhằm cải thiện hợp tác ở khu vực Tây Balkan.

Theo bà, EU và khu vực Tây Balkan cần phải đưa các nền kinh tế xích lại gần nhau hơn. Bà cho biết kế hoạch tăng trưởng mới sẽ bao gồm việc mở thị trường chung tại khu vực Tây Balkan trong các lĩnh vực như tự do vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, giao thông, năng lượng và thị trường kỹ thuật số chung. Để thực hiện kế hoạch này cần có những cải cách sâu rộng và sẽ được EU hỗ trợ đầu tư nếu thực hiện.

Theo EC, kế hoạch đầu tư và kinh tế trị giá 30 tỷ euro cho khu vực Tây Balkan do EU đưa ra năm 2020 cho đến nay đã thu hút được 16 tỷ euro. Bà Von der Leyen cho biết thêm việc các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan tạo ra thị trường chung của riêng họ sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực này tăng thêm 10%.

[EU cần sẵn sàng cho việc kết nạp thành viên mới vào năm 2030]

Tham dự hội nghị trên, ngoài bà Von der Leyen còn có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Albania Edi Rama và các nhà lãnh đạo ở khu vực Tây Balkan.

Thủ tướng Đức Scholz cho biết Tiến trình Berlin là "công cụ tốt nhất" để đẩy nhanh quá trình gia nhập EU của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Balkan. Ông cho rằng việc đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc thiết lập một thị trường khu vực chung cũng sẽ giúp họ hướng tới việc đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU.

Năm ngoái, Serbia, Albania và Bắc Macedonia đã ký thỏa thuận cho phép người dân tự do đi lại và làm việc tại 3 quốc gia này khi chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân. Ngày 16/10, các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan cũng đã nhất trí tiếp tục công nhận bằng cấp về nghề nghiệp của nhau.

Quá trình gia nhập EU của các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan nói trên đang ở những giai đoạn khác nhau. Đến nay, EU là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của các nước và vùng lãnh thổ này.

Tuy nhiên, hiện EU vẫn chưa đạt được nhất trí chung với mục tiêu hoàn tất việc kết nạp các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan, điều đã được đưa ra từ 18 năm trước, trong đó một trong những nguyên nhân là do thiếu cải cách ở toàn bộ khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục