Điều tra cơ bản vùng biển để giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển tại vùng biển Việt Nam sẽ góp phần là những bằng chứng khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Điều tra cơ bản vùng biển để giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ảnh 1Một góc đảo Phú Quý. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua tại Nghị quyết số 09-NQ/TW đã khẳng định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Ngoài ra, Việt Nam cần khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Là một trong những cơ quan nghiên cứu đầu ngành về công tác quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện những nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về biển nhằm cung cấp tài liệu, số liệu phục vụ xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách pháp luật góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lợi từ biển, đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo, quê hương.

Quản lý biển để bảo vệ chủ quyền

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, công tác quản lý, tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo đang là một trong những hướng đi đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Quản lý thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ giúp khắc phục những chồng chéo trong các hoạt động quản lý, đảm bảo giảm thiểu các mâu thuẫn, xung đột và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về quản lý các hệ thống tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Hiện nay, phương thức quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo đang được áp dụng tại Việt Nam. Để phục vụ quản lý, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách, pháp luật cũng như xây dựng một hệ thống tổ chức từ Trung ương tới địa phương. Đây là một phương thức quản lý mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới.

Đặc biệt là Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm của thế giới vào điều kiện Việt Nam, xây dựng các văn bản pháp luật, các mô hình quản lý phù hợp, khả thi và hiệu quả là rất quan trọng.

Hơn nữa, quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo là một quá trình động, đòi hỏi phải liên tục điều chỉnh các chính sách, pháp luật phục vụ quản lý theo những thay đổi về điều kiện tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học – công nghệ. Việc nghiên cứu, xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là một quá trình liên tục. Các nghiên cứu theo hướng này được tiến hành tại Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo.

Bên cạnh xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo còn thực hiện những nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản nhằm cung cấp các tài liệu, số liệu phục vụ xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật nêu trên.

Tranh thủ mọi nguồn lực cho Biển Đông

Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để thăm dò và khai thác dầu khí, phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Thanh Ca khẳng định: Theo luật pháp quốc tế, chúng ta có đầy đủ chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là hoàn toàn sai trái.

Căn cứ vào Hiến chương Liên hợp quốc và Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế, cùng với việc Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ chủ quyền mà ngược lại, liên tục đòi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa cho thấy việc chiếm đóng trái phép của Trung Quốc đối với quần đảo này sẽ không bao giờ được thừa nhận.

Do vậy, Hoàng Sa hiện nay đang thuộc chủ quyền Việt Nam. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vị trí chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, tức là nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, để thăm dò và khai thác dầu khí là trái với Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982 và Luật Biển Việt Nam.

Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Việt Nam cần có những quyết sách đúng đắn để vừa giữ vững chủ quyền, vừa khai thác hiệu quả các nguồn lợi từ biển. Theo đó, nước ta cần hiểu rõ và áp dụng đúng luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam tại các vùng biển Việt Nam.

Chỉ có hiểu rõ và áp dụng đúng luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, ta mới có đủ cơ sở đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển bằng các giải pháp hòa bình cũng như khai thác, sử dụng khôn ngoan, hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển phục vụ phát triển bền vững.

Các nhà khoa học biển cũng phải liên tục nghiên cứu, cập nhật, hoàn chỉnh hệ thống luật pháp quản lý biển và hải đảo của nước ta phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có thể sử dụng luật pháp Việt Nam như những công cụ để đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển.

Đặc biệt, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển. Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển sẽ giúp cung cấp các số liệu, tài liệu phục vụ xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo tồn, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

Các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển tại vùng biển Việt Nam với các kết quả được công bố rộng rãi trên thế giới cũng là những bằng chứng giúp khẳng định với bạn bè quốc tế các vùng biển của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát tài nguyên, môi trường biển. Công tác thanh tra, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt các chính sách, pháp luật quản lý tổng hợp và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ chính quyền và cộng đồng về tầm quan trọng của biển trong việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các yêu cầu cũng như chính sách, pháp luật quản lý biển, luật pháp quốc tế về biển để mỗi cán bộ chính quyền và người dân hiểu rõ và tích cực tham gia vào việc khai thác, sử dụng bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Trong hợp tác quốc tế về biển, việc tăng cường giao lưu sẽ giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ về lập trường chính nghĩa của Việt Nam, ủng hộ nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có điều kiện học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ, những kiến thức, kinh nghiệm về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và quản lý biển tiên tiến trên thế giới vào điều kiện Việt Nam.

Vì một “Thương hiệu biển Việt Nam” vững mạnh

Phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Thanh Ca đánh giá: “Biển nước ta rất giàu và đẹp, tài nguyên biển rất phong phú. Tuy vậy, trong những năm qua, ta chưa khai thác hết tiềm năng của biển nhưng đã làm suy thoái nghiêm trọng tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển. Chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để có nhiều thương hiệu biển lẫy lừng thế giới, nhưng hiện nay các thương hiệu biển Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Mới chỉ có một số thương hiệu biển Việt Nam được biết đến rộng rãi trên thế giới như vịnh Hạ Long, biển Nha Trang, phố cổ Hội An... Nhiều thương hiệu khác hiện đang chưa được biết rộng rãi trên thế giới.”

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu biển Việt Nam là công việc chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trong đó đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành.

Cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là đơn vị tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện việc quản lý hiệu quả, ngăn chặn xu thế suy thoái, thậm chí phục hồi tài nguyên, môi trường biển đồng thời, xây dựng các phương án sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên biển.

“Cần nhấn mạnh lại rằng các ngành kinh tế biển và liên quan tới biển, cũng tức là các thương hiệu biển được phát triển trên cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên biển,” phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Thanh Ca cho biết.

Do vậy, việc quản lý, khai thác sử dụng bền vững, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển là một giải pháp quan trọng nhất để xây dựng và phát triển “Thương hiệu biển Việt Nam” vững mạnh, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục