Điều trị thành công cho trẻ sinh non 25 tuần bị viêm ruột hoại tử

Đây là ca bệnh có thời gian điều trị lâu nhất tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, với gần 5 tháng điều trị. Bé đã trải qua 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu.
Em bé trong vòng tay của các y bác sỹ và gia đình trong ngày được xuất viện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Em bé trong vòng tay của các y bác sỹ và gia đình trong ngày được xuất viện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Ngày 11/7, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin các bác sỹ đã chăm sóc, điều trị thành công cho trẻ sơ sinh 25 tuần tuổi nặng 600 gram bị viêm ruột hoại tử, hẹp ruột.

Đây là ca bệnh có thời gian điều trị lâu nhất tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, với gần 5 tháng điều trị. Bé đã trải qua 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu.

Phối hợp liên viện thành công

Vào tháng 2/2023, chị T.H (38 tuổi) ở Hà Nội, mang thai lần 3 ở thời điểm 23 tuần thai, được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương do có dấu hiệu sinh sớm. Khi sản phụ nhập viện, các bác sỹ đã cố gắng điều trị, giữ thai cho bệnh nhân nhưng thai được hơn 25 tuần bệnh nhân chuyển dạ và sinh non.

Vào này 18/2, bé Nguyễn Trần Bình Kh. chào đời bằng phương pháp đẻ thường khi mới 25 tuần tuổi, nặng 600g, ối lẫn phân su.

[Phú Thọ: Mổ đẻ thành công cho sản phụ mang 3 thai tự nhiên hiếm gặp]

Sau sinh, trẻ suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm, được đặt nội khí quản. Trẻ được chẩn đoán viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm trùng trên nền trẻ sinh cực non, nhẹ cân. Trẻ phải thở máy cao tần, dùng kháng sinh và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Phó giáo sư Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, thành công trong việc nuôi dưỡng em bé này là nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các bác sỹ sơ sinh đã nỗ lực nuôi sống, chăm sóc trẻ đủ điều kiện để các các bác sỹ ngoại nhi phẫu thuật.

"Chăm sóc cho bé là tiến trình gập ghềnh, có những giai đoạn chúng tôi phải giật mình. Thậm chí có những lúc gần như vô vọng. Nhiều khó khăn khi trẻ sinh non thì tất cả cơ quan gan, thận, não, ruột đều non yếu. Trong quá trình điều trị, chúng tôi đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật điều trị tắc ruột để điều trị cơ quan tiêu hóa cho bệnh nhi," Phó giáo sư Trần Danh Cường cho hay.

Điều trị thành công cho trẻ sinh non 25 tuần bị viêm ruột hoại tử ảnh 1Bé trong vòng tay yêu thương của mẹ. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
  

Khi được 110 ngày tuổi, bé được chẩn đoán hẹp ruột và được đưa sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để Phó giáo sư Nguyễn Việt Hoa - Trưởng khoa Phẫu thuật nhi tiến hành phẫu thuật. Thời điểm đó ruột của bệnh nhi lúc mổ chỉ bằng 1/5 ruột bình thường, hẹp và rất nhỏ. Bé đã được phẫu thuật cắt đoạn hẹp ruột và nối lại một thì. Sau 10 ngày được mổ, bé được cho ăn hoàn toàn bằng đường tiêu hóa.

Nhiều giai đoạn thót tim

Bác sỹ Phạm Văn Thái - Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho hay trẻ điều trị gần 5 tháng tại bệnh viện. Đây là ca bệnh khá đặc biệt khi trải qua 5 giai đoạn với việc triển khai cứu chữa rất nguy kịch.

Sau 15 ngày sau sinh, cân nặng của bé tăng thêm 100gram, những tưởng có thể vui mừng. Nhưng ngay sau đó bé diễn biến nặng phải thở máy. Tiếp đó ngày 29 sau sinh, bệnh nhi được xác định tình trạng viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm độc.

Với ca bệnh này, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã mời Phó giáo sư Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Sơ sinh (Bệnh viện Việt Đức) hội chẩn. Các bác sỹ xác định bệnh nhi cần phẫu thuật, nhưng do trẻ quá nhỏ nên việc điều trị nội khoa được ưu tiên. Bệnh nhi được điều trị truyền kháng sinh, ăn tĩnh mạch kết hợp ăn qua đường tiêu hóa nhưng trẻ chậm hấp thu, bụng chướng nhiều.

Sau giai đoạn chăm sóc dinh dưỡng, điều trị viêm phổi bệnh viện, bé lên được 1600gram, phản xạ mút tự động. Sau đó, bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cắt đoạn hẹp và nối ruột.

Khó khăn tiếp tục xảy ra khi trẻ được tiến hành mổ cắt đoạn hẹp ruột và nối lại tại Bệnh viện Việt Đức. Sau mổ vài tiếng, trẻ được đưa về chăm sóc và nuôi dưỡng tiếp tục tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương).

Tiến sỹ Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) phân tích, viêm ruột hoại tử là bệnh lý rất nguy hiểm có thể khiến trẻ tử vong. Trẻ càng non tháng nguy cơ bị càng cao, tỷ lệ viêm ruột hoại tử từ 15-20%, thường xảy ra ở ngày thứ 10-45 sau sinh. Lúc này, các bác sĩ thường xuyên hội chẩn với bác sĩ Khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Việt Đức.

Điều trị thành công cho trẻ sinh non 25 tuần bị viêm ruột hoại tử ảnh 2Gia đình bệnh nhân tặng hoa cảm ơn đội ngũ y bác sỹ. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Anh Nguyễn Trần Long - bố của bệnh nhi tâm sự, có những thời điểm gia đình anh như “thót tim”. Đặc biệt, khi cách đây 1 tháng, vào thời điểm cháu được 1,8kg anh cùng các y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đưa bé sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để phẫu thuật. Thật may mắn, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các y bác sỹ, ca phẫu thuật của bé đã thành công.

“Đến giờ, gia đình tôi có cảm giác như được tái sinh. Chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn đội ngũ y bác sỹ đã không quản ngại khó khăn để cứu sống bé,” anh Nguyễn Trần Long bày tỏ.

Chiều 11/7, bé Nguyễn Trần Bình Kh. được xuất viện về nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục