Ngày 18/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết vừa có văn bản số 3910/SYT-NVD thông báo về việc xử lý thuốc Livetin-EP không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Sở Y tế Hà Nội thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi triệt để trên địa bàn thành phố Hà Nội thuốc viên nang mềm Livetin-EP (Cao Cardus marianus, Thiamine nitrate, Pyridoxine HCL, Nicotinaminde, Calci pantothenate, Cyanocobalamin), SĐK: VN-16217-13, số lô: 2320193, ngày SX: 10/01/2019, HD: 01/09/2022 do Công ty Korea E-Pharm Inc (Korea) sản xuất, Công ty TNHH xuất nhập khẩu y tế Delta nhập khẩu.
Thuốc bị thu hồi do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng silybin, định lượng silymarin, định lượng nicotinamid.
Mẫu được lấy tại quầy 441, Hapu Medicenter thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu dược phẩm Hà Thanh.
Cùng với quyết định đình chỉ lưu hành thuốc Livetin-EP, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Công ty Hà Thanh thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên đã được phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội và gửi báo cáo thu hồi về Sở Y tế theo quy định.
Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi trên địa bàn Hà Nội thuốc viên nang mềm Livetin-EP đã bị đình chỉ lưu hành. Các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có trách nhiệm khẩn trương rà soát, thu hồi thuốc viên nang mềm Livetin-EP nói trên.
Thuốc viên nang mềm Livetin-EP thuộc loại thuốc kê đơn, chỉ định điều trị các bệnh rối loạn tiêu hóa, kém ăn, suy nhược cơ thể…; bảo vệ tế bào gan trong các trường hợp sử dụng hóa chất, thuốc chữa bệnh...; bệnh nhân trong thời kỳ dưỡng bệnh, sau phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc ốm kéo dài; hỗ trợ điều trị trong viêm dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh; tăng cường chức năng giải độc gan, hỗ trợ điều trị các trường hợp trứng cá, mụn nhọt, dị ứng mãn tính...; rối loạn chức năng gan như viêm gan, viêm gan virus, gan nhiễm mỡ, xơ gan.
[Thuốc trị cao huyết áp Amvalo bị thu hồi do nguy cơ gây ung thư]
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, Sở vừa ban hành ba quyết định xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của ba cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm.
Tại Quyết định số 1532/QĐ-SYT do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế, ký quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 01/525/HNO-ĐKKDD do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 18/12/2014; Giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc - GDP số 525/GDP do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 16/12/2018 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Phúc Nguyên.
Cơ sở này có trụ sở tại số 225 Bế Văn Đàn, phường Quang Trung, quận Hà Đông. Người phụ trách chuyên môn là dược sỹ đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung.
Lý do thu hồi là vì Công ty Phúc Nguyên không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại Mục 2 Điều 40 của Luật Dược số 108/2016/QH13 ngày 6/4/2016.
Tại Quyết định số 1533/QĐ-SYT, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 01-1203/HNO-ĐKKDD do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 12/6/2017; Giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc - GDP số 1203/GDP do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 12/6/2017 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Hùng Cường, có trụ sở tại số 27A, ngõ 9 đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông.
Người phụ trách chuyên môn là dược sỹ đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung. Lý do thu hồi là Công ty Hùng Cường không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại Mục 2 Điều 40 của Luật Dược.
Quyết định 1534/QĐ-SYT thu hồi chứng chỉ hành nghề dược số 08809/HNO-CCHND do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 9/11/2016 của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (người phụ trách chuyên môn của hai công ty nói trên) do bà có hai chứng chỉ hành nghề dược.
Các đợt kiểm tra, giám sát của ngành y tế cho thấy, hiện nay tình trạng lợi dụng bán sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được giới thiệu là “hàng xách tay," trong đó có hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật đang ngày càng phát triển trên mạng xã hội, cần có sự vào cuộc của lực lượng quản lý thị trường và công an để kiểm soát.
Trong khi đó, việc quản lý nội dung quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. Đặc biệt một số website có máy chủ đặt tại nước ngoài nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát, khó xử lý.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả thường được thực hiện tại các địa điểm không đăng ký nên khó khăn đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, do đó việc kiểm tra cũng chủ yếu là để xử lý vi phạm hành chính./.