Đình Tiên Thủy - Chứng tích văn hóa nghệ thuật và lịch sử của Bến Tre

Kiến trúc đặc sắc và công phu nhất của Đình Tiên Thủy là chạm nổi hai lớp hoa văn ở các ô, hộc. Lớp bên trong sử dụng chạm lộng như một lớp lưới, tổ ong để làm nền cho lớp hoa văn chạm nổi bên ngoài.

Đình Tiên Thủy là 1 trong 5 đình làng được công nhận là Di tích Kiến trúc Lịch sử cấp Quốc gia.
Đình Tiên Thủy là 1 trong 5 đình làng được công nhận là Di tích Kiến trúc Lịch sử cấp Quốc gia.

Là một trong những ngôi đình được tạo lập sớm nhất ở Ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Đình Tiên Thủy không chỉ là nơi tôn thờ vị thần của làng mà còn là chứng tích văn hóa nghệ thuật và lịch sử.

Dấu tích kiến trúc nghệ thuật có từ những năm đầu thế kỷ 19 của Đình Tiên Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đủ chuẩn xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Đình Tiên Thủy nằm bên bờ nhánh nhỏ của sông Hàm Luông.

Với cấu trúc theo hình chữ Sơn (từ Hán), Đình Tiên Thủy được xây theo thể thống nhất, liên hoàn trong diện tích trên 1ha, gồm: nhà võ ca, võ quy, chính điện, chỉnh y, bếp và nhà tiệc.

Phía trước có bức bình phong và 4 ngôi miếu: Ông Hổ, Ngũ Hành, Thổ Thần, Bà Chúa Xứ và bàn thờ Thần Nông.

Theo ông Trần Văn Giáo - Chánh tế Đình Tiên Thủy, Đình được tạo lập ngay sau khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn, dừng chân nơi này vào những năm 1778.

Đến năm 1852, Đình được vua Tự Đức chuẩn y và ban 7 sắc phong. Tuy nhiên, do trước đây Tiên Thủy và Tiên Long cùng một làng, có hai đình gọi là Đình Ông và Đình Bà nên khoảng 10 năm trở lại đây, Đình Tiên Thủy (Đình Bà) đưa về Đình Tiên Long 3 sắc phong.

Hiện tại, Đình còn 4 sắc phong thờ thần Cao Các Quảng Độ tôn thần, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Bổn Cảnh Thành Hoàng và Đại Càn Quốc Gia Nam Hải.

1712-dinh-tien-thuy2-3510.jpeg
Đình Tiên Thủy với lối kiến trúc truyền thống đặc trưng đã làm nên điểm tham quan nổi tiếng của Bến Tre.

Đình Tiên Thủy có kiến trúc của nhà xuyên trính, 3 gian, hai chái, mái ngói âm dương.

Vẫn mang đậm kiến trúc cổ, đặc trưng của công trình ở thế kỷ 19, Đình Tiên Thủy được xây dựng ban đầu bằng cây lá đơn sơ, sau đó là gỗ, ngói, sành, sứ.

Hệ thống kết cấu khung cột, vì kèo và các loại xà đều có quy định thống nhất về kích thước và kiến trúc điêu khắc đậm nét dân gian Việt Nam.

Theo ông Tạ Khắc Biện - Bồi bái Đình Tiên Thủy, Đình được xây dựng lại vào năm 1928, do cụ cố của ông là Tạ Khắc Dệt đứng ra tổ chức thực hiện.

Một mạnh thường quân góp 100 cây vàng và người dân trong vùng cùng góp sức người, sức của.

Ông Tạ Khắc Dệt ra tận miền Trung mua gỗ và đưa thợ lành nghề về xây dựng Đình.

Đến nay, Đình vẫn còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng ghi năm Đinh Mão.

Điểm đáng ghi nhận của Đình Tiên Thủy là dù trải qua trên 150 năm nhưng các kết cấu kiến trúc cơ bản gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Đình có 42 cột bằng gỗ lim, căm xe với bề hoành từ 90cm-1m.

Cột, kèo, đòn tay được kết dính với nhau bằng kỹ thuật mộng chốt và đầu kèo đều được chạm hoa văn.

Nóc đình chính là ngọn tháp với phong cảnh 4 mặt và trên nóc trang trí hoa văn đắp nổi, cùng 2 đầu rồng ở 2 góc tháp.

Cũng như bao đình cổ khác, điêu khắc chạm nổi, chạm lộng, chạm khắc, xà cừ, sơn son thếp vàng được thể hiện sắc sảo ở các hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng.

Nhiều loại hoa trái, chim cảnh đậm nét dân gian Việt Nam được thể hiện ở đây như hoa mai, mẫu đơn, hoa lựu, hoa sen, cúc, trúc, bướm, dơi, chuột, cua, ếch, long-lân-quy-phụng...

Kiến trúc đặc sắc và công phu nhất của Đình Tiên Thủy là chạm nổi hai lớp hoa văn ở các ô, hộc.

Lớp bên trong sử dụng chạm lộng như một lớp lưới hay tổ ong để làm nền cho lớp hoa văn chạm nổi bên ngoài.

Đình hiện còn lưu giữ 14 hoành phi, 6 bao lam, 4 khánh thờ, 4 sắc phong, 2 liễn áp cột, 2 hương án và nhiều liễn đối, bài vị...

1712-dinh-tien-thuy4-2847.jpeg
Đình Tiên Thủy có không gian khá rộng, nhiều cây xanh.

Cho đến nay, Đình Tiên Thủy vẫn là đình quy tụ đông đảo người dân về cúng bái. Đình có cả sân khấu dành cho hát Bội vào lễ Kỳ yên và Lễ Du thần trên sông chính - nét riêng của Đình Tiên Thủy.

Ngoài ra, Đình còn có các lễ cúng lệ kỳ hàng năm như lễ Khai sơn, cúng Quan Thánh, Giỗ tổ Hùng Vương, lễ Hạ điền và Thượng điền.

Các lễ hội được tổ chức ở Đình Tiên Thủy là tín ngưỡng lâu đời của nhân dân trong vùng.

Với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, hàng năm có hàng ngàn lượt người tham dự.

Đặc biệt là lễ Kỳ yên, người dân xa xứ thường hội tụ về đây cúng bái, giao lưu gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm.

Còn với những ngày thường, đình là nơi hội họp, sinh hoạt giao lưu của các nhóm sở thích hay những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Di tích kiến trúc nghệ thuật là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển nghệ thuật kiến trúc của dân tộc.

Việc Đình Tiên Thủy được xếp hạng Di tích Kiến trúc Lịch sử cấp Quốc gia là thêm điều kiện và cơ hội để di sản này được bảo tồn và phát huy đúng với giá trị của nó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục